ĐBQH ĐIỂU HUỲNH SANG NÊU QUAN ĐIỂM VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

26/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tham gia tranh luận về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Theo đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tham gia một số ý kiến sau: Thứ nhất, theo quy định hiện hành và quy định tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thì các dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép môi trường sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra trong quá trình hoạt động của dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ có chức năng phối hợp trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, công tác quản lý môi trường đối với các dự án này ở các địa phương còn rất nhiều bất cập và khó khăn. Do các địa phương rất khó phát hiện các sai phạm cũng như vi phạm lớn về môi trường và công tác kiểm tra này chỉ diễn ra một lần trong năm là không phù hợp, cho nên nhiều dự án của Bộ trên địa bàn các địa phương có tình trạng vi phạm môi trường và khi phát hiện ra rất khó xử lý.

Từ những bất cập trong thực tiễn và để chủ động cũng như thực hiện tốt công tác quản lý môi trường ở địa phương, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát quá trình hoạt động của các dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép môi trường và thông báo đủ điều kiện vận hành chính thức.


Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước.

Thực tế diễn ra có rất nhiều tác động tiêu cực đến môi trường không dễ nhận diện sớm và sau khi dự án hay hành động xâm hại môi trường đã kết thúc nhưng việc gây hại cho môi trường vẫn đang hiện hữu và vấn đề đặt ra là các nguyên nhân gây hại hiện hữu sau khi hành động xâm hại môi trường đã kết thúc phải xử lý như thế nào. Thêm vào đó, các doanh nghiệp và các tổ chức có hành vi gây hại đến môi trường nhưng đến thời điểm phát hiện và đưa ra xử lý thì doanh nghiệp, tổ chức đó đã giải thể, đã chấm dứt hoạt động thì việc quy kết trách nhiệm cho ai và xử lý ai. Vấn đề này cần được bổ sung và quy định cụ thể, tránh gặp phải những trường hợp không thể xử lý vì không có quy định trong dự thảo luật nên đề nghị Ban soạn thảo phải bổ sung quy định về hồi tố môi trường nhằm giúp cho việc xử lý các vấn đề môi trường được nhận diện rõ hơn.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, hiện nay vấn đề sử dụng năng lượng từ mặt trời để thay thế cho các nguồn năng lượng khác gần đây đang có xu hướng tăng lên. Vật liệu làm tấm pin năng lượng mặt trời rất khó để xử lý khi chúng không còn giá trị sử dụng. Đây là một nguồn chất thải nguy hại, nhưng hiện tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường vẫn chưa thấy có quy định nào định hướng xử loại chất thải đặc biệt này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật và phải cân nhắc quy định rõ tấm pin năng lượng mặt trời thuộc danh mục sản phẩm phải thực hiện thu hồi sản phẩm thải bỏ hay không để có những giải pháp xử lý về sau.

Trong dự thảo luật đã quy định các doanh nghiệp phải có kế hoạch trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc lập kế hoạch bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp thường gặp nhiều trở ngại, như việc công khai quy hoạch bảo vệ môi trường ở một số địa phương chưa được rõ ràng và cụ thể. Ban soạn thảo nên bổ sung quy định vào dự thảo luật việc công khai quy hoạch bảo vệ môi trường của các địa phương, việc công khai này cũng sẽ hạn chế trường hợp doanh nghiệp phải tự tìm trong việc định hướng xử lý các chất thải, vì mỗi lần doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh mà chưa nắm rõ về quy hoạch bảo vệ môi trường của địa phương phải xin ý kiến các cơ quan chức năng. Việc này sẽ gây mất thời gian cũng như không đảm bảo quá trình cải cách hành chính cũng như quy trình, thủ tục hành chính chưa được tinh gọn.

Ngoài ra, dự thảo luật đưa ra 2 phương án trong đánh giá sơ bộ tác động về môi trường. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang thống nhất đề xuất chọn phương án 2. Theo phương án này, việc quy định dự án thuộc nhóm một là nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao, là đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ, sẽ sát với thực tế và đảm bảo hiệu quả và tính khả thi hơn. Trong thực tiễn, nhiều dự án đầu tư quy mô nhỏ cũng không cần thiết phải đánh giá tác động môi trường sơ bộ. Mặt khác, theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án đầu tư công khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư, đều phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Luật Đầu tư cũng quy định, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khi chấp thuận chủ trương đầu tư phải có nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét điều chỉnh các khoản theo thứ tự cho phù hợp.

Một số quy định về bảo tồn đa dạng sinh học được quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ môi trường hiện đang còn chồng chéo về trách nhiệm. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo phải rà sát các luật có liên quan, để có sự thống nhất các quy định về bảo tồn đa dạng sinh học so với các luật khác đã có hiệu lực, để tránh sự chồng chéo về mặt pháp lý và phải có những hướng xử lý khác nhau./.

Bích Lan