GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

26/10/2020

Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP đã tạo lập hành lang pháp lý, đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo nghệ thuật... Nhưng sau hơn 7 năm triển khai, Nghị định đã phát sinh một số vướng mắc, hạn chế trong thực thi.

Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn

Cần thiết phải ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn

 Tọa lạc tại 164 Phố Hồng Mai, Quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội, Nhà hát Cải lương Trung ương, là nơi nghiên cứu, lưu giữ, biểu diễn, phát triển nghệ thuật Cải lương truyền thống. Để có một tác phẩm hoàn chỉnh có thể biểu diễn trước công chúng, các nghệ sỹ, nhạc công, đạo diễn… và toàn thể ekíp phải luyện tập miệt mài từ 1 đến 1 tháng rưỡi mới hoàn thành.

Nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cho biết Nhà hát Cải lương Việt Nam được thành lập tại Thiệu Hóa, Thanh Hóa với tên gọi Liên đoàn Ca kịch kháng chiến Liên khu IV. Từ buổi sơ khai đến nay với biết bao khó khăn, thăng trầm, Nhà hát đều vượt qua khó khăn, tìm tòi, sáng tạo, nỗ lực để giữ gìn nghệ thuật truyền thống và không ngừng phấn đấu, đóng góp quan trọng cho những thành tựu của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Một buổi tập của các nghệ sỹ 

Cùng với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khác, Nhà hát Cải lương Trung ương đã cống hiến cho khán giả những vở diễn đặc sắc, góp phần nâng cao và làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Có thể thấy, nghệ thuật là nhân sinh, phản ánh thời cuộc, nhưng thời gian vừa qua bên cạnh những kết quả tích cực thì không ít các cuộc thi, buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ phản cảm, lệch lạc. Điều này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa của dân tộc, tạo dư luận bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, về mặt hành lang pháp lý thì nhiều nội dung về biểu diễn được quy định trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP và 15/2016/NĐ - CP đã bộc lộ những điểm bất cập với thực tiễn đời sống nghệ thuật.

Hiện nay, biện pháp quản lý đối với hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn không còn phù hợp, trong khi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động này có xu hướng tăng lên; biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu và hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài còn nhiều vướng mắc. Theo ông Lê Quang Tuấn, Công ty Cổ phần truyền thông Tiền Phong, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thống nhất quản lý tất cả các cuộc thi sắc đẹp. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghiên cứu để đưa về các địa phương, địa phương sẽ có điều kiện xác thực để quản lý về hành chính đối với các cuộc thi này tại địa phương của mình. Cần phải đưa ra khung pháp lý, chế tài nhất định để cho những cuộc thi này đạt được đúng mục đích; yêu cầu về nội dung, hình thức tổ chức tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua.

Từ thực tế này, tại Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết phải sửa đổi hai Nghị định này. Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi như:

.Việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp quản lý cụ thể đối với từng hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa hiệu quả;

. Quy định cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng sự chồng chéo giữa các quy định để trục lợi;

. Biện pháp quản lý các cuộc thi nghệ thuật chưa phù hợp trong khi nhu cầu của nhân dân về nghệ thuật biểu diễn ngày càng tăng;...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Để hệ thống pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thời gian tới, việc xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là cần thiết và hợp lý hơn việc xây dựng luật, pháp lệnh.

Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về hoạt động nghệ thuật biểu diễn

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm 6 chương, 31 điều. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiêm túc nghiên cứu, kế thừa, hoàn thiện các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, đồng thời tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thể chế các chính sách đã được Chính phủ thông qua cho phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Trên tinh thần đó, dự thảo Nghị định có một số điểm mới nhằm thống nhất hệ thống pháp luật đồng thời khắc phục vướng mắc, bất cập còn tồn tại như cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, các thành viên Ủy ban thường vụ cơ bản tán thành việc cần thiết ban hành Nghị định. Đồng tình với phương án phân cấp của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc phân cấp cho địa phương quản lý hoạt động này sẽ giảm bớt được các thủ tục hành chính, tạo cơ chế cho việc phát triển cho các hoạt động biểu diễn. Tuy nhiên, việc thay thế giấy phép hoạt động bằng văn bản chấp thuận về mặt bản chất không làm giảm thiểu thủ tục hành chính.

Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Đóng góp vào dự thảo Nghị định, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc ban hành Nghị định dựa trên Nghị định cũ, có sự cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần có sự quản lý chặt chẽ những hoạt động biểu diễn lệch lạc, chạy theo thị hiếu, cơ chế thị trường, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Liên quan đến việc quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến, dự thảo Nghị định chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật. Vì vậy, cần làm rõ và có chế tài quản lý chặt chẽ hơn. Ngoài cũng cần có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ đối với hoạt động biểu diễn ở ngoài đường phố, biểu diễn tại các đám cưới.

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn không chỉ nhận được sự quan tâm, cho ý kiến từ phía các cơ quan chức năng mà còn thu hút sự quan tâm, góp ý từ phía cử tri. Chị Lê Việt Trinh, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc ban hành Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là vô cùng cần thiết. Qua tìm hiểu, về cơ bản nội dung quy định tại dự thảo đã có sự kế thừa những điểm tiến bộ của Nghị định trước đây đồng thời có nhiều điểm mới khắc phục những bất cập hiện nay. Tuy nhiên, quy định về phân cấp cũng cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính khả thi, tránh phát sinh thêm thủ tục.

Ban soạn thảo đã nhiều lần tiếp thu các ý kiến của các Bộ, Ban, ngành; chuyên gia, cử tri và gần nhất là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Dự thảo hiện nay đã hoàn tất với nhiều quy định rõ ràng, cởi mở, thông thoáng hơn, gồm 5 chương và 31 điều, đặc biệt chú trọng giải quyết những bất cập nảy sinh ở Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP; cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp một cách hợp lý về quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, quy định trách nhiệm cho từng cấp có thẩm quyền để xử lý vi phạm cụ thể với những cuộc thi, liên hoan về nghệ thuật biểu diễn, các cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Hoàn thiện pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn

Việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ mới, bảo đảm sự nghiệp “phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân” được quy định tại khoản 2 Điều 60 Hiến pháp năm 2013. Vậy, để đạt được mục tiêu này, đâu là nội dung Dự thảo Nghị định cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện? Cổng thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội về nội dung này:

- Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Trong quá trình thẩm tra thì cũng còn nhiều ý kiến nêu ra và khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo lại tình hình phân cấp thì cũng đã phân tích rõ những thuận lợi, ưu điểm khi quy định phân cấp. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề ngược lại nếu phân cấp như vậy liệu có tổ chức tốt các ở địa phương hay không?; hay cũng đặt ra các tình huống về liên vùng, liên tỉnh thì xử lý như thế nào? Chỉ tiến hành xin 1 lần đối với Bộ cấp phép còn ở nhiều tỉnh thì lại phải xin nhiều lần thì sẽ ra sao?. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm nếu sau này khó thực hiện, nếu sau này lại sinh ra những bất cập; cùng 1 nội dung tổ chức ở nhiều tỉnh lại phải xin nhiều nơi thì cũng phải có quy định cho phù hợp.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

- Đại biểu Mai Sỹ Diến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Lĩnh vực văn hóa văn nghệ thuộc về đời sống văn hóa tinh thần của người dân mà nhất là những lĩnh vực mang tính truyền thống cần phải được duy trì và phát triển. Chúng ta cũng du nhập những văn hóa tiên tiến của thế giới nhưng phải có lựa chọn phù hợp với điều kiện Việt Nam. Người dân Việt Nam rất chú trọng những giá trị văn hóa tinh thần tuy nhiên trong quản lý thì phải quản lý chặt chẽ, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; phải đăng ký theo quy định để đảm bảo được nét đẹp trong hoạt động này;... Cần tránh trường hợp thiếu quản lý, buông lỏng giám sát của cơ quan chức năng dẫn đến một số hoạt động chạy theo thị hiếu, gây phản cảm; không để xảy ra hiện tượng khi các cuộc thi sắc đẹp hay hoạt động biểu diễn nghệ thuật diễn ra sau khi kết thúc gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề phân cấp phân quyền trong quản lý phải rõ ràng để các thủ tục đăng ký đảm bảo chặt chẽ theo quy định.

Đại biểu Mai Sỹ Diến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

- Ông Nguyễn Viết Chức, Đại biểu Quốc hội khóa XI: Thời gian qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật diễn ra sôi nổi và có nhiều bước phát triển, góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết quản lý hoạt động là cần thiết. Trong đó, Nghị định cũng cần chú trọng quan tâm điều chỉnh rõ thêm về hoạt động biểu diễn đường phố; biểu diễn tại đám cưới, trẻ em hoạt động nghệ thuật…... Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng phải hướng tới quy định đảm bảo việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cấp đối với việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đồng thời, phải cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà; hạn chế những tiêu cực, bất cập. Về mặt kỹ thuật lập pháp, cũng cần rà soát câu từ đảm bảo thống nhất 1 cách hiểu.

Trong thời gian chưa xây dựng được Luật Nghệ thuật biểu diễn thì Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn sẽ là căn cứ pháp lý cao nhất để cơ quan quản lý nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Vì vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới để đảm bảo hiệu lực và tính khả thi. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng cần hướng tới việc nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của từng cấp đối với việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vừa cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà, vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập./.

Lê Anh