ĐBQH NGUYỄN TẠO: ĐỀ NGHỊ TĂNG CƯỜNG GIẢI QUYẾT ĐƠN GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM

26/10/2020

Thảo luận trực tuyến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề nghị quan tâm chỉ đạo, có giải pháp hữu hiệu và tăng cường công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Phát biểu từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ sự thống nhất cao với những đánh giá về kết quả đạt được trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong năm 2020 như báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Đại biểu ghi nhận, trong điều kiện triển khai chống đại dịch COVID-19 như chống giặc thì nhiều hoạt động phải giãn, tạm hoãn hoặc tạm dừng nhưng Chính phủ và các ngành chức năng đã có rất nhiều nỗ lực triển khai các mặt công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng thảo luận trực tuyến

Đại biểu chỉ rõ tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội có giảm ấn tượng. Cử tri đánh giá rất cao những chuyển biến tích cực trong kiềm chế, giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí, giảm 11,94% về số vụ, 11,74%, số người chết và 11,65% về số người bị thương. Về tội phạm liên quan đến xã hội đen, về tội phạm ma túy, tội phạm môi trường đã được ngành công an và các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý tích cực và hết sức trách nhiệm, tạo một sự an tâm về trật tự, an toàn trong xã hội.

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho biết, qua tiếp xúc cử tri, người dân đang hết sức lo lắng trước tình hình gia tăng của một số loại tội phạm nghiêm trọng. Hành vi manh động, dã man của đối tượng gây án trong một số vụ giết người, cướp của đã gây hoang mang trong dư luận. Các đối tượng hoạt động có tính chất xã hội đen, tín dụng đen, cờ bạc qua mạng, lừa đảo quy mô lớn ở một số địa phương trong thời gian tương đối kéo dài và có dấu hiệu tiếp tay, bao che của một số đối tượng có thẩm quyền. Cử tri đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật khi các đơn vị chức năng mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và các hành vi nâng khống giá các thiết bị y tế, trục lợi từ chính sách xã hội hóa về dịch vụ khám, chữa bệnh. Lợi dụng khó khăn do thiên tai, bão lụt để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, gian lận thương mại các mặt hàng thiết yếu, hưởng lợi trên sự đau khổ của nạn nhân, mà đa số trong số họ là những người đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo qua các báo cáo cho thấy, chất lượng của công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn còn những hạn chế, tồn tại, nhất định, ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, niềm tin của nhân dân và công tác của các ngành tư pháp. Đáng lưu ý là những đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy với nhiều số liệu chất lượng hoạt động điều tra còn những hạn chế, tồn tại trong thu thập, đánh giá chứng cứ gây hoang mang trong dư luận xã hội. Có một số trường hợp, Viện kiểm sát yêu cầu điều tra, yêu cầu thay đổi, bổ sung các quyết định tố tụng và được cơ quan điều tra chấp nhận đều tăng nhiều so với năm 2019. Số vụ án được phục hồi điều tra chỉ chiếm 1/5 số vụ tạm đình chỉ điều tra, số vụ cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra vẫn chiếm số lượng lớn và gia tăng 15.047 vụ, tăng 12,26%, tuy nhiên mới phục hồi điều tra được 3.161 vụ. Đây là một con số cần được quan tâm về chất lượng của công tác điều tra năm 2020. Đặc biệt là, một số vụ việc từ khâu khởi tố vụ án đến giai đoạn khởi tố bị can, đến khi được đưa ra xét xử vẫn còn để kéo dài về mặt thời gian, đặc biệt là các bị can, bị cáo có liên quan đến chức vụ và quyền hạn, tạo sự nghi ngờ trong dư luận xã hội.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị quan tâm đến những hạn chế về tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về dân sự nói chung và về các vụ án hành chính ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao chưa đạt những chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác này. Đại biểu chỉ rõ, theo báo cáo thì ngành kiểm sát giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ đạt 40,4%, giảm 8,9% so với năm 2019. Tỷ lệ này ở ngành Tòa án đạt 56,7%, yêu cầu của nghị quyết của Quốc hội là 60%.

Đại biểu Nguyễn Tạo phản ánh ý kiến cử tri, dư luận rất bức xúc về việc Tòa án 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử. Cử tri và hệ thống chính trị ở cơ sở rất quan tâm với phán quyết của Tòa án các cấp và các Tòa án ở địa phương cũng nhận thấy sai của mình và có văn bản kháng nghị, đề nghị các cấp có thẩm quyền kháng nghị nhưng Tòa án nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát cấp cao đều không xử lý và xử lý rất chậm. Mặc dù việc xem xét lại bản án quyết định của Tòa án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử, nhưng đây là một khâu rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến niềm tin vào công lý, vào pháp chế xã hội chủ nghĩa của người dân. Vì vậy, từ đánh giá về công tác giám đốc thẩm và tái thẩm đối với các vụ án dân sự và hành chính của 2 ngành, từ thực tiễn của địa phương, đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo, có giải pháp hữu hiệu và tăng cường công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trước những chuyển biến tích cực và khả quan của công tác kiểm sát và xét xử của ngành tòa án và kiểm sát nhân dân trong năm 2020, để tạo niềm tin của nhân dân đối với công cuộc cải cách tư pháp của các cơ quan tư pháp trong thời gian tới./.

Bảo Yến