ĐBQH ĐẶNG THẾ VINH NÊU QUAN ĐIỂM VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

28/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đặng Thế Vinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã đưa ra quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Đại biểu Đặng Thế Vinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nêu ý kiến là Ban soạn thảo và cơ quan tâm tra dự thảo Luật cần cân nhắc những nội dung nào thì đưa vào luật này, còn những nội dung nào thì để các luật khác điều chỉnh. Cụ thể, ở Điều 20, tiêu chí xác lập và xếp hạng di tích, di sản thiên nhiên, khoản 1 quy định: việc xác lập xếp hạng di sản thiên nhiên và khu bảo tồn thiên nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản và di sản văn hóa. Tuy nhiên, theo khoản 2 và đặc biệt là khoản 3 thì gần như là mâu thuẫn với khoản 1. Khoản 3 quy định là di sản thiên nhiên thuộc quy định tại khoản 2 điều này được xếp hạng như sau, tức là 3 cấp, như vậy là khoản 3 vô hình trung lại đi vào xếp hạng các di sản. Do vậy, đề nghị cân nhắc nội dung này.


Đại biểu Đặng Thế Vinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang.

Ở Điều 51, bảo vệ môi trường đối với khu kinh tế, khoản 2 quy định: Ban Quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên trách và nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên môn môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm. Đại biểu Đặng Thế Vinh cho rằng, các Ban Quản lý khu kinh tế hầu hết thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và chức năng, nhiệm vụ của các ban này thì được quy định bởi các Nghị định, cụ thể là Nghị định 82/2018 của Chính phủ, tại khoản 3, khoản 4 Điều 65 hoặc theo Nghị quyết 18 của Quốc hội về giám sát cải cách bộ máy hành chính chúng ta đã có ý kiến là không quy định tổ chức bộ máy trong các luật không phải về tổ chức bộ máy. Do vậy, đề nghị cũng phải xem xét nội dung quy định cụ thể Ban quản lý khu kinh tế phải có những bộ phận a, b, c là không phù hợp.

Ở khoản 3 Điều 52 trang 134 dự thảo luật về kiểm toán môi trường, trong đó quy định về việc hướng dẫn kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đại biểu Đặng Thế Vinh đề nghị cân nhắc nội dung này với những lý:

Thứ nhất là chúng ta đã có Luật Kiểm toán độc lập. Thứ hai là chúng ta cũng có Luật Kiểm toán nhà nước và cũng mới đây được sửa đổi, bổ sung. Các vấn đề liên quan đến chuẩn mực kiểm toán, tiêu chuẩn kiểm toán viên hay quy trình tiến hành một cuộc kiểm toán... thì được các luật này quy định. Vậy để tránh trùng chéo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào những việc hợp lý hơn như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình hoặc đơn giá, định mức kinh tế, kỹ thuật về bảo vệ môi trường, để trên cơ sở đó thực hiện kiểm toán thì nó phù hợp hơn.

Nội dung thứ hai, xung quanh về kiểm toán môi trường, đại biểu Đặng Thế Vinh đồng tình việc quy định kiểm toán môi trường trong luật này. Đây là việc làm hết sức cần thiết và cũng đồng tình cao với việc bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan và cũng là hết sức cần thiết.

Nội dung kiểm toán môi trường ở trong khoản 2 Điều 52 đã quy định. Đại biểu Đặng Thế Vinh đồng tình là việc kiểm toán tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, phải quy định về vấn đề này. Vì hầu hết các cuộc kiểm toán, bất kể là cuộc kiểm toán về kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ hay kiểm toán hoạt động đều phải xem xét đến việc tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, việc tuân thủ pháp luật rộng hơn việc quản lý chất thải, kiểm soát chất ô nhiễm khác và đặt trong Chương V thì nó chưa bao quát và chưa thể hiện được tính bao quát về bảo vệ môi trường. Vì bảo vệ môi trường và tuân thủ pháp luật rộng hơn việc chỉ đơn thuần là quản lý chất thải và kiểm soát chất ô nhiễm và ngược lại nếu ta chỉ quan niệm là bảo vệ môi trường chỉ gói gọn trong việc quản lý chất thải, kiểm soát chất ô nhiễm thì cũng chưa đầy đủ.

Với nguyên tắc bảo vệ môi trường ở trong Điều 4 của dự thảo luật với 8 nguyên tắc và cùng với việc ưu tiên hợp lý việc dự báo phòng ngừa ô nhiễm, sự cố suy thoái môi trường cộng với nâng cao giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ môi trường và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm. Đại biểu Đặng Thế Vinh cho rằng, những quy định của luật sẽ được thực hiện trong cuộc sống. Do vậy, để hoạt động kiểm toán môi trường nói chung và kiểm toán trong lĩnh vực môi trường của Kiểm toán nhà nước thật sự phát huy vai trò trong bảo vệ môi trường, đề nghị chuyển Điều 52 về kiểm toán môi trường sau điều về thanh tra, kiểm tra về hoạt động môi trường./.

Bích Lan