ĐBQH PHẠM VĂN TUÂN GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

28/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Tuân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã đưa ra quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Để hoàn thiện dự thảo luật, tại Phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Tuân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia vào một số nội dung. Thứ nhất, về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường và đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại Điều 29, chương IV, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường để làm căn cứ xác định danh mục dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, bảo đảm tính thống nhất của các luật có liên quan. Theo đó, nên thực hiện phương án 2 tại Điều 29b, theo đó quy định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời, căn cứ vào tiêu chí dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, mức độ cao, có nguy cơ, ít nguy cơ, không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong xác định đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường, bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường.


Đại biểu Phạm Văn Tuân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Thứ hai, việc rà soát quy định về đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Xây dựng tại Điều 30b. Do đó, nên thực hiện phương án 2 là phù hợp với phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường quy định tại Điều 29b dự thảo luật và nhất trí với các nội dung giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các ưu điểm của phương án này trong báo cáo.

Thứ ba, về thẩm quyền thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tại Điều 36a, đề nghị thực hiện phương án 2, là giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt. Chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ, cơ quan ngang Bộ, trừ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định. Trong quá trình thẩm định có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Bởi vì, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, xử lý môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố, các địa phương mới nắm chắc được mức độ tác động của dự án đến môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh của dân cư tại địa phương. Đồng thời, sẽ thực hiện thống nhất từ khâu thẩm định, cấp giấy phép đến việc kiểm tra, thanh tra trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Thứ tư, về giấy phép môi trường, tại Mục 4 Điều 40b đến Điều 45b. Theo đại biểu Phạm Văn Tuân, thực hiện phương án 2, là vẫn thực hiện cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi như đã được quy định trong Luật Thủy lợi. Bởi vì, Luật Thủy lợi do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm và bảo vệ số lượng và chất lượng về nước trong công trình thủy lợi để đáp ứng việc chuyển đổi từ cơ chế thủy lợi phí sang giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là hợp đồng dân sự. Vì vậy, nếu giao ngành Tài nguyên môi trường thực hiện cấp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi sẽ dẫn đến việc quản lý nhà nước về công trình thủy lợi do 2 ngành quản lý, tài nguyên môi trường chịu trách nhiệm về chất lượng nước mà ngành nông nghiệp phát và triển nông thôn chịu trách nhiệm về số lượng nước trong các công trình thủy lợi. Nếu chia tách 2 vấn đề này về số lượng và chất lượng như vậy sẽ không bảo đảm tính khoa học, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và sẽ dẫn đến việc vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án nêu trên. Một lần nữa, đại biểu Phạm Văn Tuân tiếp tục xin tham gia về một số nội dung cụ thể:

Về những hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 3 Điều 6 của dự thảo luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như sau: Các hoạt động xả thải, tán phát vào nguồn nước, hóa chất độc hại, chất thải có hóa chất độc hại, chứa virus độc hại lây nhiễm ra người, động vật, vi sinh chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với người và động vật, cho đầy đủ. Bởi vì hiện nay có nhiều dịch bệnh liên quan đến virus độc hại có nguy cơ tới con người, lây nhiễm vào nguồn nước, gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và sức khỏe của người dân.

Về đăng ký môi trường tại khoản 6 Điều 48a của dự thảo luật thì quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã có 5 mục cụ thể, từ việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường, xây dựng, vận hành, cập nhật và tích hợp dữ liệu. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tính khả thi của quy định này trong dự thảo luật. Vì trong thực tế, hầu hết cán bộ làm quản lý môi trường ở cấp xã là cán bộ kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực như địa chính, xây dựng, chưa bảo đảm về năng lực chuyên môn và phương tiện, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ quy định như dự thảo luật. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện.

Về thu gom, xử lý nước thải. Tại điểm d, khoản 2 Điều 64 của dự thảo luật quy định về trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Vấn đề này, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương phải có hướng dẫn cụ thể về việc bố trí nguồn ngân sách của địa phương để đầu tư vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị và khu dân cư tập trung, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân theo nội dung này để luật có tính khả thi trong thực tế./.

Bích Lan