ĐBQH HÀ THỊ LAN: KỊP THỜI CHẶN ĐỨNG SỰ GIA TĂNG KHÔNG BÌNH THƯỜNG MỘT SỐ LOẠI TỘI PHẠM

28/10/2020

Thảo luận trực tuyến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020, đại biểu Hà Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chỉ ra rằng sự gia tăng của một số loại tội phạm khiến người dân chưa thực sự yên tâm; do đó cần có giải pháp, biện pháp kịp thời, mạnh mẽ và quyết liệt để chặn đứng sự gia tăng không bình thường một số loại tội phạm.

Đại biểu Hà Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thảo luận trực tuyến

Phát biểu từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, đại biểu Hà Thị Lan bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và chính sách pháp luật; công tác thi hành án; báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân; Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành Tòa án nhân dân năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Đồng thời cho rằng, năm 2020 công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã đạt được nhiều kết quả trong bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới phải chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Cùng với đó các báo cáo cũng đánh giá cụ thể, thực chất những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và đưa ra những biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Người dân vẫn chưa thực sự yên tâm khi một số tội phạm có diễn biến phức tạp

Phân tích về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Hà Thị Lan cho rằng, cùng với những kết quả to lớn đã đạt được trong các lĩnh vực về công tác tư pháp thì người dân vẫn chưa thật sự yên tâm khi thấy rằng trong thời gian vừa qua, tuy một số loại tội phạm giảm so với những năm trước nhưng ở một số lĩnh vực cụ thể tội phạm lại có xu hướng diễn biến theo chiều hướng phức tạp.

Đại biểu chỉ rõ, trong báo cáo của Chính phủ nêu một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng như là: hiếp dâm tăng 13,51%, đặc biệt trong đó là hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%, gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%, chống người thi hành công vụ tăng, riêng số vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ tăng tới 260%, số vụ giết người thân tăng mạnh 171,8%, tính chất mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn. Điều này đã gióng lên hồi chuông về sự coi thường pháp luật, sự xuống cấp về đạo đức xã hội nghiêm trọng ở một bộ phận trong xã hội. Lợi dụng dịch COVID-19 bùng phát, một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức đã cấu kết với kẻ xấu ngoài xã hội có hành vi trục lợi, như vu khống, các vụ nâng khống thiết bị y tế ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Một số người cũng đã có hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất hàng giả là hàng hóa trang thiết bị phục vụ công tác phòng bệnh, thu gom vật tư y tế đã qua sử dụng để tái chế. Một số người cũng đã kê khai không đúng đối tượng để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước.

Bên cạnh đó, việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để hoạt động trái pháp luật, phát tin giả gây nhiễu loạn xã hội cũng làm mất trật tự an ninh. Nhiều vụ chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc vẫn diễn ra hằng ngày mặc dù đã được ngăn chặn bằng nhiều biện pháp. Tai nạn giao thông tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc và làm chết, bị thương hàng chục người trên vụ, phần lớn xảy ra là vào ban đêm, tình trạng lái xe có sử dụng rượu, bia, ma túy cũng vẫn còn xảy ra. Thực trạng này cho thấy công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực như quản lý xuất, nhập cảnh, công tác quản lý mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội vẫn còn có mặt hạn chế và bất cập. Việc đề ra các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi chưa kịp thời và chưa được quan tâm đúng mức.

Về kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm, đại biểu Hà Thị Lan cho biết, một số loại tội phạm diễn ra phổ biến trong thời gian vừa qua gây nhức nhối cho xã hội nhưng kết quả xử lý cũng còn nhiều hạn chế. Có thể kể ra một số tội danh như đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, tội phạm liên quan đến hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, v.v. trong xử lý, chủ yếu là xử lý hành chính. Tỷ lệ xử lý hình sự cũng còn rất thấp. Ví dụ, trong thời kỳ báo cáo cũng đã phát hiện là 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, với trên 25.500 cá nhân, tổ chức vi phạm, nhưng chỉ xử lý hình sự được 425 vụ với 432 bị kan, số còn lại xử lý hành chính.

Cần giải pháp, biện pháp kịp thời, mạnh mẽ và quyết liệt để chặn đứng sự gia tăng không bình thường một số loại tội phạm

Từ tình hình thực tế trên, đại biểu Hà Thị Lan kiến nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan cần có đánh giá cụ thể và hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm, tìm ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, đồng thời có giải pháp để đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới.

Theo đại biểu Hà Thị Lan, thứ nhất là cần có giải pháp, biện pháp kịp thời, mạnh mẽ và quyết liệt để chặn đứng sự gia tăng không bình thường một số loại tội phạm như đã dẫn ở trên, như: gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ là công an, hiếp dâm trẻ em, v.v..

Thứ hai, đề cao các ngành, các cấp ở địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh vào Việt Nam của người nước ngoài nhằm bảo đảm không tái bùng phát dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm có thể xảy ra.

Thứ ba, tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, các hoạt động của các mạng xã hội, đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an ninh mạng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm như là tin giả lên mạng, truyền tải những hành vi đồi trụy, kích động bạo lực, v.v..

Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về giao thông, nhất là giao thông đường bộ theo hướng quy định cụ thể và có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm như là phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng ma túy, chất kích thích khi lái xe, điều khiển liên tục quá thời gian cho phép trong những vụ án vừa xảy ra thì một số vụ việc lái xe quá thời gian theo quy định, nhất là vào ban đêm; cải tiến, nâng cao chất lượng và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đào tạo và cấp phép lái xe, đề cao ràng buộc trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và sử dụng lái xe, v.v..

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là giới trẻ và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần có các hoạt động tuyên truyền nhiều hơn, sâu rộng hơn, trong đó cần phải nêu gương tốt, người tốt, điển hình tốt đẹp trong đời sống hằng ngày để nhằm làm cho mọi người, nhất là đối với giới trẻ nhận thức được đầy đủ hơn về pháp luật, tránh xa những cái xấu và nhiệt tình cũng như là tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện và có ích cho xã hội cũng như cho cộng đồng./.

Bảo Yến