ĐBQH VƯƠNG NGỌC HÀ: QUAN TÂM PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM VI PHẠM PHÁP LUẬT ĐỊA BÀN DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

29/10/2020

Thảo luận trực tuyến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020, đại biểu Vương Ngọc Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đề nghị quan tâm giải quyết một số vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật gắn với địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.

Đại biểu Vương Ngọc Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang

Phát biểu từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, đại biểu Vương Ngọc Hà bày tỏ cơ bản đồng tình về các báo cáo trình ra Quốc hội nhất là 2 báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Từ thực tiễn của địa phương, đại biểu cũng đề xuất 3 nội dung liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Đại biểu nêu rõ:

Thứ nhất, Bộ Công an bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã tại 100% các xã, thị trấn trên toàn quốc trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Ngay như địa bàn Hà Giang, công tác vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ đạt hiệu quả rất cao, các vụ việc khi xảy ra được xử lý đến 54% ngay ở tại cơ sở, nếu như trước đây thì hầu hết được chuyển lên cấp huyện, hiện nay, tại các xã đều được bố trí từ 5 công an chính quy trở lên, chiếm từ 1/6 đến 1/5 tổng số cán bộ của mỗi xã.

Đại biểu đề xuất cần có cơ chế để lực lượng này thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa xã hội mà Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Hòa giải ở cơ sở đang quy định. Theo đại biểu Vương Ngọc Hà, lực lượng công an chính quy là lực lượng được đào tạo bài bản, có kiến thức về pháp luật và đã được đào tạo về các kỹ năng, nên chúng ta không phải tốn nhiều kinh phí, công sức để tập huấn khi để họ làm tuyên truyền viên cũng như tư vấn cho các tổ hòa giải. Chính họ sẽ nắm rõ loại hành vi nào hay vi phạm ở địa bàn, nguyên nhân do đâu, từ đó đề ra được nội dung và phương pháp, có thể là tuyên truyền rộng rãi, tuyên truyền tập trung hay là tuyên truyền cá biệt, để phù hợp với từng loại đối tượng và từng địa bàn ở thời điểm cụ thể.

Đại biểu cho biết, tại Hà Giang, lực lượng công an chính quy về xã sẽ sớm phát hiện được các trường hợp có nguy cơ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, từ đó, tuyên truyền cá biệt cho những gia đình đó về những quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và đặc biệt là về chế tài, về hành chính, hình sự, để họ hiểu và không vi phạm; tổ chức tuyên truyền tập trung về Luật Lâm nghiệp, về Luật Khoáng sản tại những khu vực cần bảo vệ;  sớm phát hiện các mâu thuẫn, kịp thời tổ chức hòa giải để tránh tư tưởng cực đoan của người dân. Đại biểu chia sẻ, tại Hà Giang hàng năm trung bình có từ khoảng 60% đến 70% trường hợp người đồng bào dân tộc thiểu số tự tử, trong đó hơn một nửa là tự tử bằng lá ngón, loại độc dược rất dễ kiếm trên rừng. Con số này thật sự là rất đau lòng, vì vậy cần phải tuyên truyền thêm về quyền con người cũng như là việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đại biểu nhấn mạnh, tới đây, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì rất cần tập trung tuyên truyền để người dân nắm rõ về chính sách, vừa bảo đảm quyền của mình và địa phương nhưng cũng đồng thời hướng dẫn họ giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu này. Vì vậy, đại biểu cũng đề xuất Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần có trao đổi và có cơ chế giao nhiệm vụ cho lực lượng công an chính quy về xã làm tuyên truyền viên pháp luật và làm nhiệm vụ tư vấn cho các tổ hòa giải ở cơ sở và gắn với đó là nội dung nguồn lực cũng như kỹ năng để triển khai thực hiện, nhất là những kỹ năng về ngôn ngữ của đồng bào hay là phong tục, tập quán, như vậy vừa huy động được nguồn lực nhân và vừa tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ hai, trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước, đại biểu Vương Ngọc Hà nêu rõ, báo cáo nêu ra những phương thức, thủ đoạn, trong đó có xác định rõ thủ đoạn lợi dụng sơ hở trong quy định của pháp luật hoặc lợi dụng cơ chế quản lý thông thoáng để thực hiện. Đại biểu cho rằng đây là nhận định rất phù hợp. Đại biểu cho biết thêm, trong việc quản lý, khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng, Nghị định số 158 và thông tư đã hướng dẫn về cách tính sản lượng thông qua hệ thống sổ sách cũng như việc lắp đặt các trạm cân hay các camera, nhưng thực tế thì các camera không được tích hợp thông tin để tính sản lượng khai thác ở tại điểm khai thác và khi vật liệu xây dựng để bán phục vụ công tác dân sinh thì hầu như không mua, bán và xuất hóa đơn. Đặc biệt là các cán bộ cơ sở và người dân rất khó giám sát việc này vì không biết được quy mô cũng như hồ sơ cấp phép cho các điểm khai thác. Vì vậy, việc phát hiện vi phạm về sản lượng khai thác phụ thuộc vào công tác nghiệp vụ của lực lượng công an cũng như kết quả của các đoàn kiểm tra.

Từ đó, đại biểu cho rằng để phòng ngừa hiệu quả loại tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung thì các bộ, ngành chủ quản cần phải rà soát và ban hành các văn bản hướng dẫn rất cụ thể. Trong đó phân định rõ trách nhiệm của địa phương và cũng cần tính đến các quy định hết sức cụ thể để cán bộ, người dân ở cơ sở biết trách nhiệm của mình trong các hoạt động giám sát. Đối với địa phương thì tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả giám sát của nhân dân. Đặc biệt, lực lượng công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình để phát hiện kịp thời vi phạm, nhưng quan trọng hơn là phát hiện những điều kiện dễ dẫn đến vi phạm để tham mưu, để kịp thời chấn chỉnh, tránh để khi vi phạm xảy ra và có hậu quả rất nghiêm trọng thì mới xử lý. Cũng trong xu thế phát triển hiện nay, đại biểu đề nghị áp dụng triệt để công nghệ thông tin để kiểm soát các hoạt động quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường và thiên nhiên.

Thứ ba, đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tiếp tục ưu tiên chỉ đạo tăng cường nhân lực kiểm soát các khu vực biên giới, nhất là việc lắp các trang thiết bị hỗ trợ và đầu tư các chốt cứng của biên phòng và đặc biệt cần quan tâm về chế độ ở mức cao hơn với các cán bộ trực trong thời điểm này. Đại biểu lý giải, theo đánh giá của Chính phủ trong báo cáo là đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự của đất nước. Trong thời gian qua, riêng lực lượng Bộ đội biên phòng đã ngăn chặn trên 16.000 trường hợp nhập cảnh trái phép, ở đây không chỉ là giải quyết vấn đề vi phạm về xuất, nhập cảnh mà đó còn là vấn đề về bảo đảm an toàn cho đất nước. Tại thời điểm này, trên biên giới đã lạnh giá. Các chiến sĩ biên phòng và công an vẫn thường xuyên thường trực rải quân trên toàn tuyến biên giới để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và kịp thời giúp đỡ nhân dân khi có thiên tai, dịch bệnh. Do đó cần quan tâm  hỗ trợ từ đó bảo đảm xây dựng thế trận an ninh, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc nơi biên giới./.

Bảo Yến