ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VỀ VIỆC MỞ RỘNG QUỐC LỘ 1A CŨ

31/10/2020

Quốc lộ 1A cũ đoạn qua địa phận huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội dài 17km (từ km 189+100 đến km 206+040). Mặt đường ở đây khá chật hẹp, tuy nhiên mật độ các phương tiện tham gia giao thông ở đây khá dày đặc. Sau nhiều năm đưa vào khai thác, sử dụng song công tác tổ chức giao thông vẫn còn nhiều bất cập. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, ĐBQH Tp.Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về kế hoạch của Bộ trong việc phối hợp với Tp.Hà Nội mở rộng quốc lộ 1A cũ.

Quốc lộ 1A cũ ( Hà Nội ): Áp lực mật độ và tai nạn giao thông

Được biết các cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã có kiến nghị nhiều lần về việc nâng cấp mở rộng quốc lộ này nhưng đến nay vẫn không có gì thay đổi. Theo chính quyền ở đây, từ khi cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đi vào hoạt động và thu phí thì các phương tiện giao thông như xe vận tải lớn, xe khách, các loai xe thô sơ, xe máy đi vào rất nhiều khiến tuyến đường thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải và trở thành một trong những "điểm đen" về tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Đặc biệt là các đoạn đường như: Cửa ga Thường Tín, nút giao bưu điện với đường 427, đường 429, khu vực Tía…

Quốc lộ 1A cũ chật hẹp, tăng cao lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông

Ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội cho biết: Lưu lượng giao thông trên tuyến 1 A cũ rất đông, nhất là những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ. Chúng tôi cũng mong muốn rằng dưới sự chỉ đạo của Bộ giao thông, của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, sẽ sớm có sự quan tâm đầu tư để mở rộng tuyến đường 1 A cũ tạo ra được cảnh quan và hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa các tuyến đường trong cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội.

Ông Dương Văn Vỹ, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi ở cạnh đường quốc lộ 1A cũ, thấy còn nhiều bất cập. Một bên đường sắt, một bên dân cư ở. Đường rộng 9 m, xe của các nơi đi đến có rất nhiều xe công te nơ to và dài. Đường chật, giao thông đi lại đông. Muốn thuận tiện, an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A cũ, tôi thấy hiện hành lang mốc giới của quốc lộ 1A vẫn để mốc 34. Tôi có kiến nghị để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A thì cần phải mở rộng tuyến quốc lộ này trong thời gian sớm nhất". 

Với đặc thù là một địa bàn có hệ thống giao thông đa dạng gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy nên tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tốp đầu của công an thành phố về tai nạn giao thông. Theo thống kê chưa đầy đủ về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Ban An toàn giao thông huyện Thường Tín. Trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm 2019 (37/47 vụ), làm chết 22 người, giảm 08 người chết so với cùng kỳ năm 2019 ( 22/30 người chết) và bị thương 23 người, bằng số người bị thương so với cùng kỳ năm 2019 (23/23 người bị thương). Trong đó, đường bộ xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát và đi sai phần đường, không giữ khoảng cách an toàn, chuyển hướng không nhường đường, vượt trong các trường hợp cấm vượt. Đặc biệt trên các tuyến đường liên xã, tuyến mặt đê sông Hồng, đê sông Nhuệ, trong khi đó mặt đường hẹp, mật độ lớn, hạ tầng chưa đồng bộ, giao cắt nhiều các tuyến đường ngang trái phép, không đạt chuẩn.

Xe máy, xe đạp điện…không được đi trên Quốc lộ 1A

Ông Nguyễn Xuân Thọ, Phó Trưởng Công an huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Quốc lộ1 A cũ, mặc dù được nâng cấp, tuy nhiên quốc lộ có hạn chế về chiều rộng, diện tích mặt đường chưa đảm bảo cho người và phương tiện đi lại. Về tổ chức giao thông, toàn bộ hệ thống đường ngang trên quốc lộ hoàn toàn không đạt chuẩn, các tuyến chính, đường ngang đều cua tay áo, các phương tiện siêu trường, siêu trọng đang lưu thông chỉ cần rẽ thì gần như đều vi phạm quy tắc giao thông. Từ quốc lộ rẽ vào đường ngang đều phải đánh lái sang hết đường, vi phạm nguyên tắc giao thông, khiến các phương tiện phải dừng lại gây ùn tắc.  

Ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội chia sẻ: Mong muốn Quốc hội, cũng như thành phố quan tâm làm sao mở rộng tuyến đường 1A chạy qua địa bàn thị trấn Thường Tín nói riêng và huyện Thường Tín nói chung. Mở rộng thêm một phần hai mặt cắt nữa theo đúng quy hoạch. Quy hoạch trước kia đã quy hoạch đỏ là 30 m, hiện nay mới làm được 20 m. Nhân dân rất mong mỏi việc mở đường để đồng bộ cho tuyến đường nên có cả viả hè và hệ thống chiếu sáng, cây xanh để thúc đẩy sự phát triển của nhân dân thị trấn.

Người dân cho rằng, nếu không sớm khắc phục những bất cập về tình trạng chật hẹp, quá tải phương tiện, đường ngang dân sinh trái phép còn tồn tại qua quốc lộ 1A cũ, xiết chặt công tác tổ chức giao thông để người dân, người thực thi công vụ biết, chấp hành thì nguy cơ tăng cao các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn có thể tái diễn. Rõ ràng, nỗi lo tăng nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông trên trục huyết mạch 1A cũ là có thật. Và trong nỗi lo ấy, có trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý.

Kiến nghị giải pháp kịp thời chấn chỉnh, xử lý các đối tượng khai thác cát sỏi lòng sông

Trước thực tế đó, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Nội dung chất vấn của đại biểu nêu rõ: “Đến bao giờ Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Hà Nội triển khai mở rộng Quốc lộ 1A cũ; Xây dựng tuyến đường giao thông trên tuyến đê Hữu Hồng và xây dựng tuyến đường gom khi mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, vì Quốc lộ 1A cũ đã quy hoạch treo suốt 25 năm qua, hiện rất chật hẹp, xuống cấp, thường xuyên ùn tắc và xảy ra tai nạn giao thông, cử tri và chính quyền địa phương liên tục kiến nghị rất nhiều năm. Trường hợp các dự án này vượt quá khả năng về vốn của Hà Nội thì với trách nhiệm của Bộ trưởng có báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về bố trí vốn xây dựng hạ tầng giao thông theo quy định của Luật Thủ đô hay không? ”

Ngay sau chất vấn của Đại biểu, ngày 21/6/2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 5873/BGTVT – KHĐT trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh. Công văn nêu rõ: Tuyến Quốc lộ 1 cũ phía Nam đoạn từ Văn Điển - Phú Xuyên, dài 25km, bề rộng mặt cắt ngang 46m do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý, đầu tư. Hiện nay, đoạn đường Văn Điển - Ngọc Hồi đang thi công, do vướng mặt bằng nên chưa hoàn thành; đoạn Ngọc Hồi - Thường Tín đang chuẩn bị đầu tư; đoạn Phú Xuyên - Thường Tín chưa bố trí nguồn để đầu tư. Đây là tuyến trục cửa ngõ phía Nam vào Thủ đô Hà Nội, có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cần sớm đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường theo quy hoạch và đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội thông báo đến cử tri thành phố được biết về tiến độ thực hiện đầu tư công trình.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể 

Về xây dựng tuyến đường giao thông trên tuyến đê Hữu Hồng: Đây là tuyến đường trục quan trọng đối với giao thông thành phố, kết nối đô thị hai bờ tả, hữu sông Hồng, có ý nghĩa cảnh quan rất lớn góp phần vào phát triển du lịch dọc sông Hồng. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, tuyến trục dọc theo đê Hữu Hồng từ cầu Hồng Hà tới cầu Thanh Trì, chiều dài 29,08 km, bề rộng mặt cắt ngang 40 - 60 m.

Bộ Giao thông vận tải thống nhất với ý kiến của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cần sớm đầu tư xây dựng tuyến đường đê Hữu Hồng theo quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây là tuyến đường đô thị do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan quản lý, quyết định đầu tư nên thời điểm đầu tư sẽ do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xem xét trả lời Đại biểu và cử tri Hà Nội.

Về xây dựng tuyến đường gom của tuyến cao tốc Pháp Yân - Cầu Giẽ, dự án đầu tư tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là dự án trọng điểm, tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Nam của thành phố Hà Nội. Bộ Giao thông vận tải luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu. Đến nay việc mở rộng giai đoạn 2 dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, còn khoảng 1,7 km trên đường gom chưa được bàn giao mặt bằng nên đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành toàn bộ của dự án. Đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thi công hoàn thành toàn bộ dự án.

Về báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí vốn cho dự án mở rộng QL1A cũ và xây dựng tuyến đường giao thông trên đê Hữu Hồng. Khoản 3 Điều 21 Luật Thủ đô quy định: Đối với công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do thành phố Hà Nội quản lý vượt khả năng cân đối ngân sách địa phương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án.

Đề nghị thành phố Hà Nội rà soát kế hoạch đầu tư, kế hoạch vốn liên quan đến dự án mở rộng Quốc lộ 1A cũ và xây dựng tuyến đường giao thông trên đê Hữu Hồng, trường hợp ngân sách thành phố Hà Nội chưa cân đối được, đề nghị thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội hỗ trợ kinh phí để đầu tư các tuyến đường nêu trên, Bộ Giao thông vận tải sẽ có văn bản ủng hộ. 

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có thể thấy Chính phủ và Quốc hội đã có những nỗ lực để khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác mở rộng quốc lộ 1A cũ. Chính phủ, Bộ đã nhìn nhận được vấn đề và có những giải trình cụ thể liên quan tới giải pháp trong thời gian tới. Vậy giải pháp cụ thể, sự vào cuộc của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ, Quốc hội sẽ được thực hiện như thế nào? Đại biểu kỳ vọng gì vào những giải pháp thực tế của ngành giao thông vận tải đưa ra trong thời gian tới? Phóng viên Cổng thông tin điện tử, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh

Phóng viên: Xuất phát từ thực tế như thế nào mà Đại biểu có nội dung chất vấn đối với Bộ trưởng Giao thông vận tải ?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi được phân công tham gia làm Đại biểu Quốc hội khu vực Thường Tín, huyện Phú Xuyên nằm trên trục Quốc lộ 1A và không một kỳ họp nào tiếp xúc cử tri, chúng tôi không được nghe những ý kiến của cán bộ, nhân dân, cử tri ở đơn vị đây về vấn đề này. Và chính chúng tôi là những người thường xuyên phải đi lại ở khu vực đấy, nhìn thấy tình trạng rất nguy hiểm khi tham gia giao thông trên khu vực Quốc lộ 1A cũ, quá nhiều phương tiện tham gia giao thông đi lại một diện tích chật hẹp. Phía trên lại có đường sắt, cho nên nơi đây đã xảy ra rất nhiều vấn đề giao thông và người dân cảm thấy bức xúc mỗi ngày trôi qua. Cho nên chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm với người dân ở đây. Và khi mà thấu hiểu chuyện đấy, chúng tôi kiến nghị rất mạnh mẽ đối với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Giao thông vận tải cũng có văn bản gửi cho chúng tôi chia sẻ cảm nhận của Đại biểu với thực trạng đó và cũng phối hợp với Hà Nội giao cho Hà Nội triển khai những vấn đề này.

Phóng viên: Ngay sau chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã trực tiếp trả lời Đại biểu. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi ghi nhận những trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông là rất sát hợp với thực tiễn. Và đó cũng là trách nhiệm của Bộ và thành phố Hà Nội được giao quản lý vấn đề đường giao thông quốc lộ đi qua Hà Nội trên cơ sở Luật thủ đô. Vừa qua, chúng tôi được biết với trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, công tác chuẩn bị và thúc đẩy việc mở rộng Quốc lộ 1A cũ cũng bước đầu có hiệu quả.

Phóng viên: Trong nội dung trả lời chất vấn, Đại biểu có đánh giá gì về các giải pháp Bộ Giao thông vận tải đã và đang thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề như đại biểu đề cập tới?  

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi đồng ý với những giải pháp mà Bộ trưởng nêu ra, trong đó thống nhất với Hà Nội thực hiện quy hoạch trước đây đã đưa vào. Người dân nói là quy hoạch treo 25 năm. Chính phủ, Bộ đồng ý sẽ mở rộng Quốc lộ 1A theo từng giai đoạn, từng tuyến. Cho đến nay, tôi được biết bước đầu vấn đề này đã được triển khai. Trước mắt là 5 km đoạn từ huyệnThanh Trì, thành phố Hà Nội đi xuống xã Quất Động, huyện Thường Tín. Tôi hiểu rằng ở đây là phải chuẩn bị vốn vì ngân sách Trung ương và địa phương còn khó khăn nên sẽ làm từng đoạn.

Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri của thành phố Hà Nội, huyện Thường Tín kiến nghị thành phố giúp huyện xóa bỏ quy hoạch “treo” từ 25 năm nay, cụ thể là nâng cấp Quốc lộ 1A cũ dài 17,23km (từ km189 đến km206+100) để có một công trình đường trục hướng tâm quan trọng của Thủ đô, tạo dựng sự khang trang, hiện đại cho địa phương. Và mới đây, sau nhiều lần kiến nghị, đoạn đường mở rộng 5 km trên tuyến Quốc lộ 1A cũ đã được triển khai xây dựng, bước đầu thể hiện sự quan tâm của thành phố Hà Nội cũng như ngành Giao thông đối với 1A cũ, góp phần củng cố niềm tin của nhân./.

Phóng viênTrân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Kim Yến