GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỬA ĐỔI – ĐẢM BẢO ĐỒNG BỘ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

31/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tại phiên họp thứ 47 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Uỷ ban tiếp tục cho ý kiến về Dự luật này. Đa số đại biểu cho rằng Dự thảo Luật cần bảo đảm tính đồng bộ giữa yêu cầu và trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về môi trường đã đạt được những thành tựu nhất định, nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường được hạn chế. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có sự bất cập trong quản lý chất thải, chưa thống nhất và đồng bộ trong quản lý chất thải từ Trung ương tới địa phương. Cụ thể, hiện Luật bảo vệ môi trường quy định chức năng quản lý được giao cho nhiều Bộ cùng chịu trách nhiệm như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng…Do vậy, ở địa phương, một số tỉnh, cơ quan quản lý chất thải rắn sinh hoạt là Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng một số tỉnh khác lại là Sở Xây dựng… dẫn đến việc triển khai trong thực tế gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thiếu đồng bộ trong phối hợp.

Cán bộ, chiến sỹ Công an có nhiều hoạt động tham gia bảo vệ môi trường 

Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: Đối với công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho ngành tài nguyên môi trường tỉnh quản lý toàn bộ vấn đề rác thải trên địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung chỉ đạo đầu tư toàn bộ nhà máy điện rác, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các mô hình như phân loại rác tại nguồn, đầu tư trang thiết bị cho công tác quản lý nhà nước về môi trường như thùng rác, xe rác…Cũng như chỉ đạo các địa phương quy hoạch, xử lý khu nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn các huyện thị thành của toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định: Đầu tư cho môi trường cần nguồn kinh phí lớn, đặc biệt với Hà Nội, bao gồm xử lý về ô nhiễm môi trường, không khí, nước thải, chất thải trong khu vực làng nghề. Ngoài ra còn công tác thau rửa, xử lý nước đối với dòng sông, xử lý chất thải trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bệnh viện, trường học…Và chúng ta đều biết, khi xây dựng khu xử lý chất thải, đa phần các địa phương đều không mong muốn. Vì vậy cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân bằng những giải pháp gắn với thực tiễn, có chế tài cụ thể.

Vấn đề quản lý chất thải sinh hoạt trên thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thậm chí có địa phương chất thải sinh hoạt trở thành điểm nóng, hiệu quả quản lý chưa cao; quy định về quản lý, xử lý chất thải ở khu vực nông thôn; vấn đề thu phí và lệ phí trong quản lý chất thải nông nghiệp, làng nghề…còn khó khăn. Cùng với đó, cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh. Hiện nay, Việt Nam có rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự trong khi các vụ việc nghiêm trọng vẫn thường xuyên diễn ra. Còn các biện pháp xử lý khác như buộc phải di dời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động lại không hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: "Liên quan tới công tác xử lý chất thải rắn một số tỉnh lại là Sở Xây dựng, một số tỉnh lại là của Sở Tài nguyên và môi trường, của Sở Y tế là chất thải y tế. Liên quan tới chất thải nông nghiệp là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chính vì vậy, để thống nhất trong toàn hệ thống quản lý đề nghị luật sửa đổi kịp thời để thống nhất trong phạm vi toàn quốc".

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát. Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập và chưa được coi trọng đúng mức, thậm chí chỉ được tiến hành một cách hình thức, qua loa cho đủ thủ tục dẫn đến chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao.

Đội ngũ công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng, mất cân đối về cơ cấu. Ở Trung ương, một số lĩnh vực còn thiếu cán bộ có trình độ cao, chuyên môn sâu. Ở địa phương, đội ngũ cán bộ đang thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng quản lý, ở cấp xã phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm; thiếu cán bộ phụ trách công tác bảo tồn, đa dạng sinh học. Phân công chức năng nhiệm vụ về quản lý CTR còn chưa rõ ràng, công tác phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về quản lý CTR giữa Sở Xây dựng, Sở Y tế và Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan có liên quan khác đôi lúc còn chưa chặt chẽ và kịp thời.

(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Nếu như chúng ta phát sinh ra chất thải nhiều mà chúng ta thực hiện việc phân loại chất thải ra, tận dụng thành phần chất thải để chuyển cho các thành phần chức năng để tái sử dụng, tái chế phù hợp. Chất thải mà không tái sử dụng, không tái chế được thì lúc đó mới đem đi tiêu huỷ, xử lý tiêu huỷ. Thì khi đó nó mới giảm được lượng chất thải phát sinh ra môi trường. Phân loại ra khác với thu gom, làm sao giảm tỷ lệ xử lý và thúc đẩy công tác tái sử dụng, tái chế, tận dụng thành phần có trong chất thải, đồng thời giảm lượng chất thải phải xử lý.

Trên thực tế, bảo vệ môi trường dường như vẫn đang được xem là trách nhiệm của Nhà nước. Trong khi quan điểm Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội vẫn chưa được thực thi một cách đầy đủ do thiếu những quy định xác định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, phân định nhiệm vụ giữa Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ và Bảo vệ môi trường.   

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, thời gian qua công tác quản lý bảo vệ môi trường được quan tâm với nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, thực hiện nhất quán chủ trương không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế. Công tác quản lý chất thải đã được chú trọng. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải nhất là rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn cũng đang là vấn đề nóng đặt ra.

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, việc xác định quyền và nghĩa vụ của từng cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và thẩm quyền đối với việc này là quy phạm để từng cơ quan thực hiện đúng với quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh bày tỏ nguyện vọng: Trước đây, nhiệm vụ quản lý chất thải ở các đô thị được phân công cho Bộ xây dựng, chất thải nông thôn lại quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ô nhiễm môi trường là Bộ tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, đối với Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này, tôi mong muốn đưa công tác môi trường vào việc xác dịnh trụ cột của sự phát triển kinh tế - xã hội. Để từ đó cả hệ thống chính trị, toàn dân vào cuộc trong vấn đề xử lý về môi trường. Sau đó là sự giám sát của chính quyền địa phương, của các cơ quan nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân trong thực hiện bảo vệ môi trường cũng như sự phối hợp của các ngành như ngành điện, ngành nước, lực lượng công an, phòng cháy chữa cháy xử lý các vấn đề vi phạm về môi trường. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn từng cơ quan làm việc để tránh chồng chéo, thống nhất trong quản lý từ trung ương tới địa phương.

Mới đây, tại phiên họp thứ 47 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự luật này và khẳng định những điểm mới căn bản của dự thảo Luật. Bởi đây là lần đầu tiên các chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đang phân tán ở một số Bộ đưa về Bộ Tài nguyên và Môi trường như quản lý chất thải rắn, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Cụ thể, về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (Chương 14): Cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ, bảo đảm vai trò thống nhất tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm tham gia tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành trong phạm vi quản lý, bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chịu trách nhiệm chính.

Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo các chuyên gia, nên giao cho cơ quan chuyên môn, có năng lực, trình độ để đánh giá tác động môi trường; đồng thời phân loại từng cấp độ dự án để làm rõ dự án nào trung ương đánh giá, dự án nào có thể phân cấp cho địa phương, nhưng địa phương cũng phải có cơ quan chuyên môn làm việc này.

Trước thực trạng đó, vấn đề đặt ra trong luật môi trường sửa đổi theo đại biểu Quốc hội là cần nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý môi trường gồm hạ tầng tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải tại các đô thị, xử lý nước thải cho các khu công nghiệp, hỗ trợ kinh phí để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các địa phương. Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh 

Phóng viên: Đánh giá của Đại biểu về công tác quản lý nhà nước về môi trường hiện nay?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Qua thực tiễn ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng phải giải quyết rất nhiều vấn đề tồn tại ở đấy. Đến giờ, trước sức ép chỉ đạo từ trên xuống, qua thanh tra, tăng cường khâu giám sát qua các đại biểu dân cử, vấn đề phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường cũng như phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền cũng là điều mà các địa phương hết sức quan tâm. Có thể nói, chúng ta ghi nhận những nỗ lực của họ .

Phóng viên: Theo Đại biểu, nguyên nhân là do đâu dẫn tới sự chồng chéo trong quản lý chất thải, chưa thống nhất và đồng bộ trong quản lý chất thải tại các địa phương?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Do trước đây phân công nhiệm vụ quản lý chất thải đô thị được phân công cho Bộ xây dựng, chất thải ở nông thôn lại được quy định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vấn đề ô nhiễm môi trường lại do Bộ Tài nguyên và môi trường. Chồng chéo như vậy nhưng thời gian gần đây, Chính phủ đã ra Nghị quyết là phân định tất cả vấn đề xử lý rác thải cũng được giao cho Bộ tài nguyên và môi trường. Trong luật bảo vệ môi trường sửa đổi lần này, cần thiết đưa quy định phân loại xử lý rác thải được giao cho Bộ tài nguyên môi trường thống nhất quản lý, đồng bộ.

Phóng viên: Chính phủ, các Bộ ngành và các cơ quan cần có giải pháp như thế nào để thực hiện tốt hơn công tác quản lý môi trường trong thời gian tới phù hợp với Luật môi trường sửa đổi?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Yêu cầu là ngay trong luật môi trường sửa đổi từ trước khi mà đánh giá tác động môi trường. Với vấn đề cấp phép xả thải gây rất nhiều vấn đề chồng chéo với nhau. Cấp phép xả thải, trước đây để đảm bảo chất lượng xả thải cho nông nghiệp thì ngành nông nghiệp có quy định về xả thải. Nhưng Dự thảo luật lần này đưa vào là ngành tài nguyên môi trường nên lúc đầu cũng có tranh cãi. Vừa rồi, Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý tích hợp các loại giấy phép để ngành tài nguyên môi trường thực hiện việc đó một cách thống nhất.

Phóng viên: Nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng lớn về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, vì vậy việc sửa đổi Dự thảo luật ngày càng có ý nghĩa. Kiến nghị của Đại biểu tại Dự thảo Luật lần này?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Phải coi bảo vệ môi trường là ưu tiên trong quy hoạch, trong phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, quản lý nhà nước phải đáp ứng được yêu cầu đó thì mới không bị chồng chéo. Các địa phương, các bộ ngành trước đây chạy theo dự án phát triển kinh tế xã hội mà bỏ qua bảo vệ môi trường thì lần này đòi hỏi ngược lại làm cho các doanh nghiệp, các địa phương muốn triển khai phát triển kinh tế trước hết phải xem những dự án đó có phát triển bền vững hay không? Những dự án đó có thực sự đem lại lợi ích bảo vệ môi trường cho người dân trên địa bàn một cách lâu dài, bền vững hay không? Thì khi đó mới được phê duyệt, chấp thuận. Đó là một yêu cầu rất cao, cần được quán triệt trong phát triển kinh tế xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Những năm tới, việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đưa đất nước phát triển bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây cũng là giai đoạn nước ta đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó có công tác bảo vệ môi trường. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, thì vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, các thành phần kinh tế đối với công tác bảo vệ môi trường cần được nâng cao. Luật Bảo vệ môi trường cần giải quyết những bất cập và đưa vào những quy định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước. Trước hết là trong công tác quản lý nhà nước về môi trường cần đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo và bỏ sót trách nhiệm… Hai nội dung trong Luật môi trường (sửa đổi) là “đánh giá tác động” và “cấp phép xả thải” được xem là điểm mới tích cực, góp phần tạo sự thống nhất đồng bộ trong quản lý chất thải trong thời gian tới./.

 

Kim Yến