ĐBQH NGUYỄN THỊ NGỌC LAN GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS

03/11/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã đóng góp một số ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (gọi tắt là Luật phòng chống HIV/AIDS 2006) và các Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Nguyễn Thị Ngọc Lan bày tỏ nhất trí với các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung, tiếp thu và chỉnh lý tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống HIV/AIDS 2006. Bên cạnh đó, đại biểu đóng góp, bổ sung một số ý kiến vào dự thảo như sau:

Thứ nhất, phơi nhiễm và nhiễm HIV là hai định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, trong Điều 2 dự thảo mới chỉ định nghĩa về phơi nhiễm HIV mà chưa có định nghĩa thế nào là nhiễm HIV. Trong khi đó, từ nhiễm HIV lại được sử dụng xuyên suốt toàn văn dự thảo. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung định nghĩa về nhiễm HIV vào dự thảo luật sửa đổi.

Thứ hai, thực tiễn chỉ rõ những người dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy, dụng cụ bấm lỗ tai, dụng cụ xăm, thậm chí dùng chung dụng cụ y tế cũng có khả năng lây nhiễm cao. Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan, tại điểm b khoản 2 Điều 4 của dự thảo cần được sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng được thông báo là người có hành vi sử dụng chung dụng cụ có khả năng lây nhiễm HIV, cụ thể như sau: "điểm b. thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục, người có hành vi sử dụng chung dụng cụ khả năng lây nhiễm HIV hoặc người chuẩn bị kết hôn với người mình biết theo quy định của pháp luật".

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Thứ ba, theo Luật phòng chống HIV/AIDS năm 2006: kỳ thị, phân biệt, đối xử là khác nhau. Do vậy, tại điểm c khoản 2 Điều 9, Luật phòng chống HIV/AIDS năm 2006, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan đề nghị cần bổ sung thêm từ "không kỳ thị" thì mới đủ ý, cụ thể điểm c khoản 2: "Không kỳ thị, phân biệt đối xử, không làm ảnh hưởng đến bình đẳng giới và không đưa thông tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV".

Thứ tư, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan đề nghị giữ nguyên nội dung Điều 11 khoản 2 điểm d Luật phòng chống HIV/AIDS năm 2006. Theo đại biểu, việc bổ sung điểm d là không cần thiết. Nếu đối tượng này đang có nguy cơ cao thì chỉ cần có văn bản hướng dẫn thực hiện, vẫn phù hợp với luật năm 2006 ban hành mà không cần phải bổ sung, sửa đổi, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.

Thứ năm, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan cho rằng tại Điều 33 Luật phòng chống HIV/AIDS năm 2006 nên được bổ sung như sau: "Cơ sở dịch vụ xã hội có sử dụng các dịch vụ, các dụng cụ xuyên chích qua da, niêm mạc và các dụng cụ khác có nguy cơ gây chảy máu trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ hoặc có tiếp xúc trực tiếp với phần niêm mạc, phần cơ thể đang bị tổn thương của người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm thực hiện các quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về vô khuẩn, sát khuẩn".

 Thứ sáu, để đảm bảo quy định về việc giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được đầy đủ và logic, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan đề nghị khoản 5 Điều 35 Luật phòng chống HIV/AIDS năm 2006 nên được sửa đổi, bổ sung như sau: "5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể việc chăm sóc và điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai. Người mẹ nhiễm HIV khi sinh con, nuôi con và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con".

Thứ bảy, theo đại biểu, để chế độ chính sách đối với người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV được đầy đủ, Điều 45 Luật phòng chống HIV/AIDS năm 2006 nên được bổ sung thêm phần bảo hộ lao động cho những đối tượng nêu trên. Cụ thể như sau: "Người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở y tế của Nhà nước, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trại giam, trại tạm giam được ưu tiên trang bị phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết để phòng lây nhiễm HIV, hưởng các chế độ phụ cấp nghề nghiệp và các chế độ ưu đãi khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.

Thứ tám, để đảm bảo đầy đủ, logic của văn bản, theo đại biểu Điều 45 dự thảo nên bổ sung đối tượng như sau:

“Một là, người bị phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, do tai nạn sinh hoạt, giao thông, do rủi ro của kỹ thuật y tế được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật.

Hai là, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, do tai nạn sinh hoạt, giao thông, do rủi ro của kỹ thuật y tế được khám, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội và được cấp thuốc kháng HIV miễn phí”.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị sửa đổi một số lỗi kỹ thuật văn bản theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Hồ Hương