GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NHIỀU VẤN ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

05/11/2020

Chất vấn là một trong những hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội. Thông qua hoạt động chất vấn đại biểu Quốc hội đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người đại diện cho cử tri nêu lên những vấn đề nổi cộm trong xã hội. Do vậy, các phiên chất vấn của Quốc hội luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cử tri, các tầng lớp nhân dân.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và các Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết chất vấn khóa XIII. Vì vậy, hoạt động chất vấn tại kỳ họp lần này có nhiều điểm khác biệt so với hoạt động chất vấn tại các kỳ họp trước đó.

Trước khi diễn ra phiên chất vấn, Bên lề Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội về những nội dung đại biểu quan tâm cũng như kỳ vọng tại phiên chất vấn lần này:

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Hoạt động chất vấn kỳ này có phạm vi rộng hơn chất vấn lần trước. Nếu như phiên chất vấn lần trước là xin ý kiến của tất cả các vị đại biểu Quốc hội để lấy số lượng, phạm vi nội dung chất vấn (phần lớn ngoài Thủ tướng còn có 4 Bộ ngành với những nội dung liên quan trong phạm vi quản lý) nhưng lần này là chất vấn gần như cả nhiệm kỳ Quốc hội. Nội dung chất vấn lần này là chất vấn của tất cả các đại biểu chất vấn lại các vấn đề mình đã chất vấn Chính phủ, các Bộ, ngành nhưng dến nay những lời hứa đó chưa thực hiện được thì các đại biểu Quốc hội chất vấn để xem xét lại và yêu cầu giải thích vì sao những nội dung đã chất vấn đã có giải trình, tiếp thu nhưng vẫn chưa thực hiện được trên thực tế. Chính vì thế cho nên, những lần trước khi chất vấn: Một là, Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời. Hai là, 4 đơn vị Bộ, ngành được lựa chọn thì lần này không cụ thể Bộ, ngành nào mà tất cả từ Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến các Bộ, ngành đều được chất vấn tùy theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội. Đây chính là điểm khác của chất vấn lần này có so với lần trước.

Riêng bản thân tôi, chất vấn lần này tôi tập trung vào những vấn đề còn nổi cộm được đa số cử tri kiến nghị. Ngoài ra, trong các phiên chất vấn kỳ này, tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về tình hình nguy cơ sạt lở các đê điều thủy lợi và các công trình thủy điện,… Trước đó, tại kỳ họp thứ 8,  tôi đã chất vấn về nội dung này và  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có trả lời. Bộ trưởng không những tiếp thu ý kiến chất vấn mà còn nêu rõ thêm những nguy cơ sạt lở hiện nay kể cả bờ biển và nhiều lĩnh vực khác đưa ra những đề xuất, kiến nghị cũng như lời hứa. Tuy nhiên, thực tế trong tháng 10 vừa qua lại bị tác động của thiên nhiên làm cho nhiều công trình không những sạt lở gây thiệt hại tính mạng, tài sản người dân, lực lượng chức năng; … Vì vậy, trong phiên chất vấn tới, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh và kiến nghị Bộ trưởng có giải trình rõ thêm và có những giải pháp tối ưu hơn nữa để ngăn ngừa, khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những hoạt động sôi động nhất của nghị trường Quốc hội. Khi thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, chúng ta thảo luận những vấn đề chung nhưng khi chất vấn bao giờ cũng tập trung vào những vấn đề cụ thể. Trong chương trình hành động của Chính phủ hay trong chương trình hành động của các Bộ, ngành thì lời hứa của các Bộ trưởng trong các kỳ chất vấn trước thường được thể hiện rất là cụ thể. Các đại biểu Quốc hội thường bám sát vào nội dung đó và sẽ đưa ra những câu hỏi chất vấn. Nội dung chất vấn cũng là những vấn đề được xã hội, cử tri đặc biệt quan tâm.

Tôi tin rằng, không khí sôi động, thẳng thắn của phiên chất vấn sẽ tiếp tục được phát huy. Thông qua hoạt động chất vấn, sẽ giúp cho cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội thấy rõ hơn những hoạt động của Chính phủ; những kết quả đạt được cũng như những mặt còn thiếu sót, tồn tại. Từ đó, tạo nên cảm hứng cho công tác của Chính phủ bởi vì khi Chính phủ làm tốt thì cần phải được khen còn khi thiếu sót thì sẵn sàng chấp nhận, tiếp nhận những góp ý, chất vấn của các đại biểu Quốc hội để làm sao nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ cũng như của các Bộ, ngành. Vì vậy, hoạt dộng chất vấn là hoạt động rất quan trọng mang tính xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng điều hành của Chính phủ.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Chất vấn là một hình thức giám sát của Quốc hội. Đây là một trong những nội dung được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Vì vậy, tôi kỳ vọng hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10 sẽ tiếp tục phát huy được không khí sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ. Nội dung chất vấn sẽ tập trung vào những vấn đề nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm cũng như làm rõ lời hứa của Bộ trưởng trong các kỳ chất vấn trước đó.

Vấn đề tôi quan tâm trong các phiên chất vấn tại kỳ họp này cũng là vấn đề cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Đó là, vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 13. Bên cạnh đó, còn là những vấn đề liên quan đến những khiếu kiện, khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến đất đai của người dân; vấn đề về môi trường, giao thông còn tồn tại chưa khắc phục được thời gian vừa qua./.

Lê Anh