ĐBQH NGUYỄN MINH SƠN: QUYẾT TÂM PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

09/11/2020

Thảo luận trực tuyến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020, đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang ghi nhận một số kết quả tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng.

Từ điểm cầu hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết, theo số liệu do Tổ chức Minh bạch thế giới công bố, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể, từ 31/100 điểm năm 2012 kéo dài đến năm 2015. Nhưng đến năm 2019 Việt Nam đã đạt được 37/100 điểm đứng thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng toàn cầu, tăng 21 bậc so với năm 2018. Đây là mức điểm cao nhất mà Tổ chức Minh bạch thế giới đánh giá đối với Việt Nam và là năm có mức tăng điểm cao nhất từ trước đến nay.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác thông tin truyền thông, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được quan tâm. Thể chế về phòng, chống tham nhũng và quản lý kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời. Phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tiến hành quyết liệt, rõ đến đâu xử lý đến đó. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, đúng kế hoạch đề ra. Lấy phòng ngừa là chính, cơ bản phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, những kết quả nêu trên thể hiện sự quyết tâm, hành động của Đảng và Nhà nước, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế như công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao; một số cơ chế, chính sách còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng diễn ra hiện nay. Thực thi pháp luật có lúc, có nơi còn chưa nghiêm. Tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu.

Đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ và kiến nghị năm 2021 mà báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Tư pháp đã đề ra; đồng thời kiến nghị:

Thứ nhất, tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho tuyên truyền viên cơ sở làm công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến mọi đối tượng, đặc biệt là người dân và khu vực ngoài nhà nước. Thông qua các hình thức, áp dụng đến các nền tảng mới, có tính cuốn hút, tạo điểm nhấn như băng rôn, áp phích, sổ tay, hội thi tìm hiểu, các trang chuyên đề trên báo, truyền hình, các vở kịch, phim truyền hình, bài hát. Đại biểu chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhận thấy công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiện nay đến với người dân còn nhiều hạn chế, nhất là những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, trong đó cần có các giải pháp hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách pháp luật, nhằm ngăn ngừa nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách pháp luật.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của người đứng đầu và công tác tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị đối với việc chấp hành pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng ngay từ trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Nêu cao tinh thần phê bình, tự phê bình, cụ thể hóa tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phát huy tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là phạm vi đối tượng phải kê khai, công khai. Quản lý, kiểm tra, xác minh bản kê khai trách nhiệm giải trình, xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không rõ ràng, trung thực./.

Bảo Yến