ĐBQH LÊ CÔNG NHƯỜNG BÀY TỎ QUAN ĐIỂM VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

24/11/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Công Nhường – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định bày tỏ quan điểm về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Đại biểu Lê Công Nhường – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cần bổ sung một số ý như sau:

Thứ nhất, về tên gọi, đề xuất tên gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, vì dự thảo luật đã được quy định chi tiết, bổ sung nhiều nội dung mới.

Thứ hai, về quy định đánh giá tác động môi trường, Điều 29b, đại biểu Lê Công Nhường đồng ý với phương án 2. Theo đó, quy định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường và giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể và ban hành danh mục dự án thuộc các nhóm 1,2,3, như tại khoản 3.


Đại biểu Lê Công Nhường – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.

Thứ ba, Điều 33a, tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan, đề nghị làm rõ dự án ở vùng giáp ranh hoặc nằm trên địa bàn của 2 xã, 2 huyện, 2 tỉnh. Nước giáp ranh cũng phải lấy ý kiến của cư dân láng giềng không thuộc địa phương xây dựng dự án. Đề nghị khi tham vấn cộng đồng dân cư phải bao gồm các đối tượng trực tiếp và gián tiếp bị ảnh hưởng. Khi tổ chức tham vấn bắt buộc phải có hình thức lấy mẫu, lấy ý kiến cho phù hợp, đảm bảo ý kiến đó là khách quan, ràng buộc trách nhiệm của đơn vị tham vấn và chịu trách nhiệm với kết quả tham vấn của mình.

Thứ tư, Điều 36a đề cập thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đại biểu Lê Công Nhường đồng ý phương án 2, là Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 điều này. Tuy nhiên, khoản 1 là Ủy ban nhân dân tỉnh cũng phải tham gia, bởi vì dự án sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư tỉnh quản lý trực tiếp, nên phải tham gia ngay từ đầu. Ví dụ như một số dự án Điện hạt nhân và dự án Bô xít, những dự án lớn trong thời gian vừa qua.

Thứ Năm, Điều 48a quy định đăng ký môi trường, đề nghị sửa đổi khoản 5 điều này, từ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã thành trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Bởi vì, nếu giao nhiệm vụ nêu trên cho Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ không đủ năng lực để đảm đương được. Đề nghị chỉ giao một số nhiệm vụ phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn của công chức và nhân sự của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thứ sáu, Điều 30 về bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp, tại Khoản 2 Mục a, đại biểu Lê Công Nhường đề nghị tăng thời gian hoàn thành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường lên 48 tháng so với 24 tháng, vì quy định thời gian ngắn sẽ tạo áp lực lớn cho ngân sách nhà nước khi luật có hiệu lực thi hành và một số cơ sở không đáp ứng được.

Thứ bảy, Điều 49 đề cập bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Thực trạng hiện nay còn tồn đọng số lượng lớn container chứa phế liệu tại các cảng, nên trong dự thảo Luật cần thiết kế thêm quy định thời gian nằm tại cảng và cách thức xử lý các container chứa phế liệu vô chủ.

Thứ tám, tại điểm c Điều 137 mục 1 Chương XI về việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định về thuế bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Nhưng theo Luật Thuế bảo vệ môi trường chỉ tính thuế đầu vào của đơn vị nguyên, nhiên, vật liệu có khả năng gây ô nhiễm mà chưa quan tâm đến hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nguyên liệu cao hay thấp, ví dụ 1 tấn than đá sạch khác với một tấn than đá bẩn. Để thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi công nghệ sử dụng nguyên liệu ít gây ô nhiễm môi trường. Luật cần quy định về việc đánh thuế hàm lượng chất gây ô nhiễm của nguồn nguyên liệu đầu vào.

Tại điểm b khoản 1 Điều 142 mục 2 về chính sách ưu đãi hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường quy định: tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi được hỗ trợ thực hiện các hoạt động đó. Đại biểu Lê Công Nhường đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, đó là các công ty quốc phòng, các công ty hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp nhưng sử dụng nhiều lao động thì phù hợp với tình hình hiện nay.

Cuối cùng, về giấy phép môi trường, đại biểu Lê Công Nhường ủng hộ phương án 1, chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Với lý do phải đơn giản hóa thủ tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp chứ không phải vì khó khăn trong sửa luật như đã trình bày mà chúng ta đẩy khó khăn, bất cập về phía người dân và doanh nghiệp./.

Bích Lan