ĐBQH NGÀN PHƯƠNG LOAN: GIÁO DỤC TRUYỀN THÔNG TRONG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS CẦN ĐƯỢC THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG

28/11/2020

Bàn về quy định ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng, đại biểu Ngàn Phương Loan - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc làm này cần được thực hiện bình đẳng, không phân biệt là đồng giới nam hay đồng giới nữ.

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội, đại biểu Ngàn Phương Loan cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại khoản 3 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11) quy định về ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng, đại biểu Ngàn Phương Loan cho rằng, việc ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS cần được thực hiện bình đẳng, không phân biệt là đồng giới nam hay đồng giới nữ. Do vậy đại biểu Ngàn Phương Loan đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét giữ nguyên, như quy định của luật hiện hành, đó là người có quan hệ tình dục đồng giới. Vì thực tế đang tiềm ẩn nhiều khả năng nhiễm HIV trong quan hệ đồng giới nữ. Theo đại biểu, việc giữ nguyên quy định này như luật hiện hành sẽ bảo đảm được nguyên tắc nam nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình đã được quy định tại Luật Bình đẳng giới.

Đại biểu Ngàn Phương Loan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu từ điểm cầu trực tuyến. 

Bên cạnh đó, đại biểu Ngàn Phương Loan nhận định, trên thực tế, khu vực biên giới là địa bàn nhạy cảm và phức tạp, có thể nói đây là điểm nóng, tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS, vì hoạt động mại dâm, buôn bán, tiêm chích ma túy trên các tuyến biên giới vẫn còn diễn ra với các thủ đoạn tinh vi. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục truyền thông về Phòng chống HIV/AIDS là những người sống tại khu vực biên giới. Theo đó thì điểm (m) sẽ được viết lại như sau: “người sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Ngoài ra, đại biểu Ngàn Phương Loan cũng đề nghị bổ sung đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả người yếu thế, bởi đây là nhóm người dễ bị tổn thương và cần được cả xã hội quan tâm.

Thứ hai, tại khoản 8 Điều 1, sửa đổi bổ sung Điều 27, xét nghiệm HIV tự nguyện. Tại khoản 2 Điều 27, đại biểu Ngàn Phương Loan đề nghị bổ sung cụm từ "không có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi" sau cụm từ "hành vi dân sự" và diễn đạt lại khoản này như sau: "2. Người tự nguyện xét nghiệm HIV/AIDS, người tự nguyện xét nghiệm HIV phải từ đủ 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, không có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi". Theo đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung tại khoản 3 điều này cụm từ "có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi" vào sau cụm từ "hành vi dân sự" và viết lại khoản này như sau: "3. Việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó". Theo đại biểu Ngàn Phương Loan, việc bổ sung này sẽ bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong luật, cụ thể như thống nhất với quy định tại điểm (b) khoản 1 Điều 30, được sửa đổi bổ sung tại khoản 10 Điều 1 của dự thảo luật.

Thứ ba, tại khoản 13 Điều 1 sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 39, về tiếp cận thuốc kháng HIV: đại biểu Ngàn Phương Loan đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào điểm (d) điều này, nơi được tiếp cận thuốc kháng HIV bao gồm cả cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở bảo trợ xã hội để bảo đảm đầy đủ và phù hợp với tình hình thực tiễn. Như vậy, điểm này sẽ được viết lại như sau: "d. Người nhiễm HIV trong trại giam, trại tạm giam, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, giáo dưỡng".

Hồ Hương

Các bài viết khác