ĐBQH HÒA THƯỢNG THÍCH BẢO NGHIÊM: GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

30/11/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội góp ý về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội khẳng định: Bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là chất lượng sống của cộng đồng ngày nay và thế hệ mai sau. Luật Bảo vệ môi trường đã được kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII thông qua vào tháng 5/2014, đến nay thể hiện còn nhiều bất cập nên cần có Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Để luật đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp rất cụ thể, thể hiện sự quan tâm, vai trò, vị thế của luật. Để sửa đổi, hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng luật, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cần thống nhất những tồn tại.

Trước hết thấy rõ nhất là vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng, các doanh nghiệp chưa được xác định rõ ràng, chưa phát huy hết vai trò, minh chứng rõ là qua một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng vừa qua. Các chế tài để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm chưa có quy định đầy đủ, chưa đủ sức răn đe và thiếu hiệu quả. Cùng với luật phải có đồng bộ thể chế để định hướng, để có công cụ quản lý nhưng vừa qua thiếu chưa được xác định cụ thể, như thiếu quy định, thiếu quy hoạch bảo vệ môi trường, thiếu đánh giá tác động môi trường thích hợp cho từng loại dự án, chưa tích hợp được trí tuệ của các nhà khoa học, của cộng đồng dân cư. Cho nên, còn có xu hướng chạy theo lợi nhuận, lợi ích kinh tế, lợi ích trước mắt trong khai thác tài nguyên, làm xuống cấp chất lượng môi trường, còn bị động, lúng túng, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Công tác khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, quản lý tài nguyên tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, song cũng bộc lộ, chưa huy động được tiềm năng nguồn lực vốn có, chưa phát huy nguồn lực khoa học, công nghệ và nhất là ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao. Nguyên nhân của tồn tại trên là từ nhiều yếu tố nhưng phải khẳng định là còn do thiếu cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn để huy động nguồn lực xã hội.


 Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.

Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần này trước hết cần tập trung hoàn chỉnh những vấn đề nêu trên, trong bối cảnh quốc tế và trong nước ở giai đoạn tới với trình độ đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về phát triển, xử lý ô nhiễm môi trường trong khi tài nguyên có hạn, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh, khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và cuộc sống người dân thì càng cần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên, lấy bảo vệ môi trường và sức khỏe cuộc sống của con người là mục tiêu hàng đầu. Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, nên xem đây là quan điểm trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần này.

Qua tổng hợp ý kiến đóng góp của Tổng Thư ký Quốc hội cho thấy, đã có sự đóng góp cụ thể, đồng bộ các nội dung về bảo vệ môi trường, vấn đề là tiếp thu thế nào để hoàn chỉnh. Trước nhất, để nâng tầm nhận thức đúng về môi trường, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cần tập trung rà soát để thống nhất về khái niệm thuật ngữ, nội dung này bao hàm rất rộng, trong dự thảo nêu rất phong phú và góp ý cũng rất đa dạng. Đề nghị xem xét cẩn trọng và tranh thủ ý kiến chuyên gia chuyên ngành.

Vấn đề thứ hai cần quan tâm là xác định chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường. Đây là yêu cầu đã sửa năm 2018, được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV nhất trí sửa đổi. Luật lần này cần có quy định khung và các nội dung cần có trong quy hoạch bảo vệ môi trường để giải quyết khó khăn trong hiện thực.

Về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị và nông thôn cần có quy định cụ thể hơn, không thể chỉ là giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chính phủ quy định chi tiết. Nêu như dự thảo chưa thể hiện được đột phá để giải quyết các vấn đề nóng đang diễn ra.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, đây là vấn đề đã có nhiều nghiên cứu, nhiều bài học từ thực tiễn đã xảy ra trong dự thảo còn chưa đề cập đủ. Cần xác định rõ các yêu cầu kiểm soát thích ứng và trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền.

Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong Luật 2014 cũng như dự thảo luật lần này về cơ bản đã xác định rõ trách nhiệm, riêng về xử lý vi phạm trong dự thảo nêu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng chưa đủ sức răn đe và đề nghị cần tham khảo bổ sung các quy định mà Chính phủ đã có quy định như Nghị định 139/2017. Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Dự thảo luật đã quy định trong một số điều, song trên thực tế còn chồng chéo, chưa xác định rõ trách nhiệm trong giải quyết sự cố về môi trường.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là luật cần sớm ban hành song do sự phức tạp nên cần tập trung để hoàn chỉnh và chú trọng đến công tác phổ biến, tuyên truyền để đổi mới nhận thức về bảo vệ môi trường. Đối với bảo vệ môi trường trong kinh điển Phật giáo và trong lời dạy của đức Phật cũng nhắc đến bảo vệ môi trường rất là quan trọng đến đời sống. Xin trích 4 câu trong Kinh nói rằng: Sống trong môi trường tốt, gắng làm các nhân lành, được đi trên đường chính là phúc đức lớn nhất./.

Bích Lan

Các bài viết khác