ĐBQH TRẦN VĂN MÃO ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

07/12/2020

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung nội dung về điều kiện đăng ký tạm trú đối với trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi, yêu cầu phải có ý kiến của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh mối quan hệ gia đình giữa gia đình chủ hộ và người đăng ký tạm trú.

 

Đại biểu Trần Văn Mão, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Mão, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng tình cao với báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, để làm rõ thêm những vấn đề của dự thảo luật, đại biểu góp ý một số điều cụ thể như sau:

Thứ nhất, về điều kiện đăng ký tạm trú tại Điều 20, tại điểm a khoản 3  đại biểu đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý, vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước. Khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ đó. Do đó, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không thể từ chối hay cản trở người đang thực tế cư trú đến việc thực hiện đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình và trật tự quản lý nhà nước ở nơi cư trú. Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, nhằm góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ở ngoài tỉnh thuê, ở nhờ nhà tràn lan mà không khai báo, dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay. Mặt khác, quy định này đang mâu thuẫn với các nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú tại Điều 3, trái với nguyên tắc quyền tự do cư trú của công dân tại Điều 4.

Thứ hai, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về điều kiện đăng ký tạm trú đối với trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi, yêu cầu phải có ý kiến của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh mối quan hệ gia đình giữa gia đình chủ hộ và người đăng ký tạm trú. Quan tâm bảo vệ, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên là trách nhiệm rất lớn của mỗi gia đình, của người giám hộ, của các bộ, ngành, cơ quan chức năng và của toàn xã hội khi họ chưa trở thành công dân thực thụ. Thời gian qua tình trạng nhiều chủ nhà hàng, quán bar, karaoke và nhiều gia đình đã sử dụng lao động trẻ em và người chưa thành niên bất hợp pháp, thuê các em làm giúp việc mà không khai báo tạm trú, không có hợp đồng lao động, không có giấy tờ ủy quyền của gia đình hoặc người giám hộ để bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Khi bị kiểm tra, phát hiện, họ nhận trẻ em là người bà con, cháu hoặc họ hàng. Trong khi trách nhiệm của người giám hộ hợp pháp để bảo đảm quyền và lợi ích, bảo vệ, chăm sóc đối của trẻ em và người chưa thành niên đã được quy định khá rõ ràng trong Công ước về quyền trẻ em của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã ký kết.

Thứ ba, về xóa đăng ký thường trú tại Điều 24. Thứ nhất, dự thảo luật bổ sung 4 trường hợp bị xóa đăng ký tạm trú đối với luật hiện hành, trong đó có điểm d Điều 24 quy định vắng mặt tại nơi cư trú trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng. Đại biểu đề nghị nên cân nhắc quy định trong trường hợp xóa đăng ký thường trú này để hạn chế trường hợp công dân Việt Nam bị kết án phạt tù có thời hạn sau khi chấp hành án xong, tái hòa nhập cộng đồng, không có nơi thường trú hoặc trong trường hợp công dân đi lao động, học tập ở nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ đăng ký thường trú của mình. Quy định xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận lớn công dân Việt Nam đang đi lao động, học tập ở nước ngoài nhưng vẫn có đăng ký thường trú, chỗ ở hợp pháp và quốc tịch Việt Nam trước khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực. Đại biểu đề xuất dự thảo luật bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú với trường hợp vắng mặt từ 12 tháng trở lên liên tục thì cần phải có thêm quy định khôi phục đăng ký thường trú đã xóa để bảo đảm quyền cư trú của công dân Việt Nam đã được Hiến pháp và Luật Cư trú bảo vệ.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý cư trú đối với những trường hợp xóa đăng ký thường trú đối với người đã ra nước ngoài để định cư, người vắng mặt nơi thường trú trên 12 tháng. Vì thực trạng hiện nay có những người vắng mặt tại địa phương, nơi thường trú nhiều năm, thậm chí nhiều người đã định cư, có quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn có hộ khẩu thường trú ở địa phương. Chính thực trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác đăng ký hộ tịch của ngành tư pháp. Nơi cư trú của công dân là căn cứ để xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Nếu công dân xuất trình sổ hộ khẩu thì thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã. Nếu người dân xuất trình giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài hoặc thẻ định cư thì thẩm quyền đăng ký thuộc cấp huyện. Theo quy định của pháp luật về hộ tịch, người đã được định cư hay nhập quốc tịch nước ngoài thì được xác định có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền đăng ký hộ tịch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Thời gian vừa qua, tình trạng đăng ký hộ tịch trái thẩm quyền đối với những trường hợp này xảy ra khá phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý hộ tịch cũng như chi phí, thời gian, tiền bạc của nhân dân.

Về quy định thời hạn tạm trú, thủ tục gia hạn tại Điều 28, đại biểu đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn tạm trú, đăng ký tạm trú như luật hiện hành tối đa là 2 năm để phân biệt với trường hợp đăng ký thường trú. Người đăng ký tạm trú, thường trú là những người chưa có ý định cư trú lâu dài, ổn định hoặc đăng ký cư trú vào những chỗ ở không có tính ổn định, lâu dài như nhà cho thuê, mượn, ở nhờ. Do đó, việc yêu cầu những người này định kỳ đăng ký lại việc tạm trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú là biện pháp để tăng cường hiệu quả công tác quản lý cư trú, nắm chắc số liệu dân cư trên địa bàn. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân chuyển sang thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở đã đăng ký tạm trú khi có đủ điều kiện, hạn chế các trường hợp đăng ký thường trú một nơi, nhưng lại thường xuyên cư trú dưới hình thức tạm trú ở một nơi khác

Về điều khoản thi hành. Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý cư trú, thường trú, tạm trú từ phương thức thủ công (giấy tờ) sang phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin, sử dụng mã số định danh cá nhân bao gồm các thông tin liên quan đến nhân thân là phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy sau hơn 4 năm triển khai thực hiện mới có 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân, còn khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại chưa được cấp số định danh cá nhân. Bên cạnh đó, đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và chậm tiến độ so với yêu cầu của Luật Cư trú (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực ngày 01/7/2021 sẽ không đủ thời gian để bảo đảm cơ sở dữ liệu có liên quan, hoàn thiện và vận hành ngay trên thực tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định chuyển tiếp riêng về vấn đề này và phải tính toán lộ trình cụ thể để triển khai áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, trong quá trình đó, cần sử dụng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú./.

Minh Hùng