ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH ĐỀ NGHỊ XEM XÉT VIỆC BỎ ÁP DỤNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỚI NGƯỜI MẮC AIDS GIAI ĐOẠN CUỐI

14/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã đóng góp một số ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhận định, việc Chính phủ chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, báo cáo tổng kết 13 năm thi hành Luật Phòng, chống nhiễm HIV/AIDS, tổ chức tổng Quỹ hỗ trợ HIV/AIDS giai đoạn 2007-2019 và rà soát khá kỹ những vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung đã thể hiện trách nhiệm cao và nghiêm túc của cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống nhiễm HIV/AIDS.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV . 

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, dự thảo luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung đề nghị bãi bỏ 14 điều khoản tập trung vào các vấn đề giải thích từ ngữ, nghĩa vụ của người nhiễm HIV, đối tượng được ưu tiên, tiếp cận truyền thông về HIV, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được triển khai một số dịch vụ HIV/AIDS, luật hóa những quy định cụ thể, biện pháp can thiệp giảm tác hại hiện đang thực hiện theo quy định của Chính phủ, giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em. Bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tán thành với hầu hết những quy định mới được sửa đổi, bổ sung lần này, bởi tính thống nhất của các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm tính khả thi cao. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét quy định bãi bỏ Điều 42, áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị AIDS giai đoạn cuối. Bởi quy định này có thể sẽ gây nguy hiểm cho xã hội và sức khỏe của cộng đồng, vì có thể có những đối tượng lợi dụng tham nhũng hoặc những tội phạm khác trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Ở đây chúng ta thấy trong thực tiễn, tư pháp có rất nhiều trường hợp phạm tội tham nhũng và bị pháp luật xét xử thì lúc đó lại đưa ra những tờ xác nhận của bệnh viện nói rằng đây là những người bị tâm thần, chỗ này tránh những đối tượng đó lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lợi dụng. Chỗ này đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét kỹ”,  đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh.

Liên quan tới các điều luật khác được quy định trong Dự thảo, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung ở Khoản 6 Điều 6, tức là phải khuyến khích ưu tiên nghiên cứu khoa học thay vì chỉ hỗ trợ, nhằm tạo động lực khởi nghiệp cũng như sản xuất trong nước các loại thuốc về phòng ngừa HIV.

Chúng tôi biết các nhà khoa học Việt Nam về y, dược rất có kinh nghiệm, nếu chúng ta đầu tư, có chính sách đầy đủ, chúng ta sẽ thu hút được rất nhiều các nhà nghiên cứu khoa học và những chuyên gia để nghiên cứu sản xuất trong nước những sản phẩm phòng, chống HIV, tôi cho là rất hiệu quả” – đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu ý kiến.

Hồ Hương

Các bài viết khác