ĐBQH ĐỖ VĂN BÌNH: LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ PHẢI THỂ CHẾ HÓA CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

16/12/2020

Thảo luận về Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Đỗ Văn Bình cho rằng, Luật cần thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, tạo cơ sở đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại ở tất cả các kênh giữa nước ta và các nước, tổ chức quốc tế.

Đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, đại biểu Đỗ Văn Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng góp ý thêm về quy định bên ký kết Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật. Tại Tờ trình số 13 ngày mùng 10/4/2020 của Chính phủ về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế đã nêu quan điểm về việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế là phải thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, phải tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại ở tất cả các kênh Quốc hội, Nhà nước, nhân dân giữa nước ta và các nước, tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể các bên Việt Nam được ký kết thỏa thuận quốc tế như quy định tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo luật dường như chưa thể hiện được đầy đủ quan điểm trên. Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có thể có những chủ thể ở phía Việt Nam có nhu cầu ký kết và đảm bảo được việc thực hiện ký kết các thỏa thuận quốc tế, nhưng lại không được thống kê tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo luật, ví dụ như các bệnh viện, trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, theo đại biểu Đỗ Văn Bình, tại Tờ trình trên của Chính phủ đã nêu nội dung thực tế là mặc dù pháp luật hiện hành chưa quy định về việc ký kết thỏa thuận quốc tế, nhưng đã có nhiều đơn vị thực hiện ký kết các văn bản hợp tác quốc tế, kể cả các đơn vị sự nghiệp công lập. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung để mở rộng hơn các đối tượng được ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với thực tiễn hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, đáp ứng nhu cầu là cơ sở đẩy mạnh hội nhập và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại ở tất cả các kênh, trong đó có kênh đối ngoại nhân dân.

Đại biểu Đỗ Văn Bình cho rằng, Luật Thỏa thuận quốc tế cần thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế.

Về việc chấm dứt thỏa thuận quốc tế, rút khỏi thỏa thuận quốc tế và tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế tại khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 2 giải thích từ ngữ về việc chấm dứt hiệu lực thỏa thuận quốc tế là hành vi do bên ký kết Việt Nam thực hiện để từ bỏ hiệu lực của thỏa thuận quốc tế. Đại biểu Đỗ Văn Bình cho rằng, rút khỏi thỏa thuận quốc tế là hành vi do bên ký kết Việt Nam từ bỏ việc chấp nhận sự ràng buộc của thỏa thuận quốc tế. Tạm đình chỉ thỏa thuận quốc tế là hành vi do bên Việt Nam thực hiện để tạm ngừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần thỏa thuận quốc tế. Như vậy, theo dự thảo luật thì đây là hành vi của bên ký kết Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, các hành vi trên cũng có thể do bên ký kết nước ngoài thực hiện, khi chấm dứt hiệu lực, rút khỏi tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế. Mặt khác, khoản 7 Điều 2 của dự thảo luật quy định chấm dứt hiệu lực thỏa thuận quốc tế là hành vi do bên ký kết Việt Nam thực hiện để từ bỏ hiệu lực của thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài, có lẽ cũng chưa thật đầy đủ. Vì việc chấm dứt hiệu lực của một thỏa thuận quốc tế không chỉ do 1 trong 2 bên ký kết thực hiện mà có thể do quy định về thời hạn, hiệu lực của chính thỏa thuận quốc tế do các bên ký kết. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Về nội dung chấm dứt hiệu lực rút khỏi thỏa thuận quốc tế, khoản 2 Điều 34 quy định bên ký kết Việt Nam phải chấm dứt hiệu lực hoặc rút khỏi thỏa thuận quốc tế, nếu quá trình thực hiện thỏa thuận quốc tế có sự vi phạm một trong các nguyên tắc quy định tại Điều 3 quy định về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Bình cho rằng Dự thảo Luật chưa quy định trường hợp nào thì bên ký kết Việt Nam phải và có quyền tạm ngừng toàn bộ hoặc một phần thỏa thuận quốc tế đã ký.

Góp ý về điều kiện áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, ký kết thỏa thuận quốc tế. Điều 35 dự thảo luật quy định điều kiện áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế. Cụ thể, điểm b khoản 1 quy định cần phải xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại. Điểm b khoản 2 quy định cần phải xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa dịch bệnh. Theo quan điểm của đại biểu quy định như trên có thể dẫn đến việc băn khoăn hiểu như thế nào là gấp. Việc ký kết các thỏa thuận quốc tế với các nội dung trên trong từng trường hợp cụ thể đã thể hiện sự cần thiết, cấp bách. Do vậy, đề nghị chỉnh sửa và viết lại điểm b khoản 1 như sau: "Do yêu cầu về chính trị, đối ngoại"; điểm b khoản 2 là "Do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh".

Về trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế tại khoản 3 Điều 36, Điều 37, Điều 38 dự thảo quy định trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan được lấy ý kiến về sự cần thiết ký kết thỏa thuận quốc tế, việc tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của luật này. Điều kiện áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quỵ định tại khoản 1 Điều 35 thì kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định quy định tại khoản 3 Điều 36. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đối ngoại cho ý kiến trước khi trình Chủ tịch Quốc hội quy định tại khoản 3 Điều 37. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận nhân danh Chính phủ quy định tại khoản 3 Điều 38.

Tuy nhiên, tại Điều 39 quy định trình tự, thủ tục rút gọn, ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh, cơ quan Trung ương của tổ chức chỉ quy định việc gửi hồ sơ lấy ý kiến Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế, không quy định nguyên tắc xử lý trong trường hợp có ý kiến khác nhau của các cơ quan được lấy ý kiến như những trường hợp trên. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện.

Cũng tại khoản 4 Điều 36, Điều 37, Điều 38 dự thảo luật quy định việc tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 mà chưa đề cập đến việc tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế theo quy định tại các điểm b khoản 1 Điều 35 và quy định tại khoản 2 Điều 35 của dự luật./.

Lan Hương

Các bài viết khác