ĐBQH PHAN THỊ MỸ DUNG: CẦN CÓ GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO TRÊN SÓNG PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH

17/12/2020

Góp ý về Báo cáo của chính phủ về kinh tế xã hội năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị Chính phủ có giải pháp kiểm soát hoạt động quảng cáo trên sóng phát thanh, truyền hình.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Chính phủ có giải pháp kiểm soát hoạt động quảng cáo trên sóng phát thanh, truyền hình.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung khẳng định nhu cầu được tiếp cận thông tin, giải trí trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội. Phát thanh truyền hình là kênh truyền thông tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, của nhà nước đã chuyển tải nhanh chóng, chính xác, kịp thời những quyết sách quan trọng, tin tức, thời sự tới mọi vùng miền của Tổ quốc, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng miền, sự thúc đẩy phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh, những lợi thế của từng địa phương, của mỗi vùng miền và của cả quốc gia ra bên ngoài thế giới. Đồng thời, cũng tạo ra những cơ hội cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao lưu văn hóa, là kênh cung cấp hoạt động giải trí. Chính vì là một phương tiện cung cấp thông tin rất lớn, có độ tin cậy cao, là nơi hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần nên nó có khả năng làm thay đổi nhận thức của con người cũng rất lớn.

Đặc biệt, trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chúng ta buộc phải cách ly xã hội, giãn cách xã hội thì nhu cầu tiếp cận thông tin hưởng thụ, giải trí từ truyền thông cũng tăng cao. Chúng ta cũng phải ghi nhận sự lớn mạnh phát triển cả về số lượng, chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng cao của phát thanh truyền hình hiện nay. Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng trong quản lý nhà nước của Chính phủ, của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, loại bỏ những hạt sạn làm xấu đi làm, giảm đi vai trò của phát thanh, truyền hình. Nhưng thực tế hàng loạt hoạt động quảng cáo trên sóng phát thanh, truyền hình làm cho người dân hoang mang trong sự lựa chọn sử dụng các sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, đến sản xuất. Luật Quảng cáo năm 2012 có nội dung cấm quảng cáo có sử dụng từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc những từ ngữ mang tính tương tự. Thế nhưng thực tế chúng ta dễ dàng nghe, thường xuyên nghe trong các chương trình phát thanh, truyền hình ngay trong “khung giờ vàng” ở những kênh truyền hình lớn, quen thuộc, liên tục công khai quảng bá “đây là sản phẩm tốt nhất”, “sản phẩm số một”, “sản phẩm hàng đầu thế giới”, “sản phẩm được ưa chuộng nhất” “được tiêu thụ, được sử dụng nhiều nhất”, “hiệu quả tức thì”. Thậm chí còn chắc chắn hứa hẹn rằng sử dụng hiệu quả trong 5 ngày, trong 1 tuần, trong 1 tháng, nếu không hiệu quả, không hết bệnh, không tăng cường sinh lực thì trả tiền lại, v.v.. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, cách nói, hình ảnh minh họa cho sản phẩm quảng cáo rất hay, rất sống động, nói ra rả, lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều ngày, ngày này qua ngày kia làm cho người tiêu dùng “mưa dần thấm lâu”, “việc giả tin thật” cũng như không còn cơ hội kiểm tra, trải nghiệm, khi mua rồi, sử dụng rồi thì thực chất không phải vậy. Và khi người sử dụng sản phẩm quảng cáo bị thiệt hại, có hệ quả xảy ra cho sức khỏe thì hầu như là tự chịu. Trường hợp có hậu quả nghiêm trọng, áp lực của báo chí, của dư luận xã hội thì mới có sự vào cuộc xử lý.

Cử tri lo lắng ảnh hưởng của phim ảnh, những chương trình giải trí có nội dung không lành mạnh đến thanh niên, đặc biệt là trẻ em.

Qua hoạt động tiếp xúc cưc tri, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng cho biết cử tri đang lo lắng đến sự ảnh hưởng của phim ảnh, những chương trình giải trí có nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến hành động và định hướng phát triển của thanh niên, đặc biệt là trẻ em như là trình chiếu các bộ phim ở các “khung giờ vàng” mà có nội dung khai thác câu chuyện riêng tư, cảnh nóng, cảnh giường chiếu, cảnh bạo lực, đánh đập, giết người dã man, ghê rợn, những câu chuyện loạn luân, tô đậm góc tối các mối quan hệ gia đình, cộng đồng, ngay cả người lớn xem còn đỏ mặt, còn khó chịu thì thử hỏi trẻ em, thanh niên trong giai đoạn phát triển, trí óc non nớt muốn khám phá, tìm hiểu thì sự tác động này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, hành động của các em là rất lớn. Bên cạnh đó, có không ít chương trình giải trí, game show có nội dung gây hài nhảm nhí, chửi bới thô tục, gây ấn tượng bằng những trang phục hở hang, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Cử tri, khán giả bức xúc, ngán ngẩm đặt câu hỏi: muốn truyền tải thông điệp gì ở đây? bài học gì cho khán giả và công chúng ở đây?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung phân tích, hàng loạt những hoạt động, hiện tượng trên chính là sự vô trách nhiệm đối với cộng đồng, góp phần làm suy giảm giá trị nghệ thuật, giết dần nghệ thuật chân chính cũng như là nghệ sĩ lao động chân chính. Vấn đề ở đây chính là trách nhiệm của nhà quản lý chương trình, của các cơ quan chức năng quản lý, là đạo đức của doanh nghiệp, của nhà sản xuất chương trình, của đạo diễn và của người làm nghệ thuật.

Tại Báo cáo số 464 ngày 5/10/2020 của Chính phủ và văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Long An số 3638 ngày 22/9/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong các giải pháp thì Bộ Thông tin và Truyền thông có nêu là thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo trong các cuộc họp giao ban ngành, nhắc nhở bằng văn bản về việc kiểm soát chặt chẽ chương trình của các đài phát thanh, truyền hình, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, giải pháp này chưa triệt để và sẽ không mang lại hiệu quả đồng bộ. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo cho các bộ, ngành chuyên quản sớm tham mưu ban hành, sửa đổi một hàng rào pháp lý đủ rõ ràng, đủ mạnh, đủ xử lý các hành vi vi phạm hoạt động như trên. Bởi thực tế, trong thời gian qua có hành vi vi phạm có hiện tượng nhưng để xác định vi phạm, xác định thế nào là hở hang, phản cảm là không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Thế nào là có ảnh hưởng xấu thì cũng còn là câu chuyện đang tranh cãi. Phải quyết liệt kiểm tra, rà soát và xử lý đủ nghiêm minh các hiện tượng, các hoạt động quảng cáo trên phát thanh và truyền hình sai với quy định của pháp luật.

Đại biểu cũng  kiến nghị có cơ chế rõ ràng hệ thống tiêu chí để xây dựng nội dung các truyền thông, kịch bản, phim truyện, game show để kiểm soát đầu vào, để ngăn chặn từ đầu vào, chứ không phải những chương trình phát sóng rồi, phim được đầu tư xây dựng rồi đến khi phát sóng, công chiếu, khi có dư luận phản ứng thì dừng chiếu, dừng phát sóng, bị cắt không cho lưu hành. Như vậy, dù là thiệt hại tiền của nhà sản xuất, của doanh nghiệp nhưng đây vẫn là thiệt hại, là lãng phí của xã hội và cơ quan chức năng thì lại đổ lỗi cho 4 chữ “sự cố truyền hình”. Tôi kiến nghị, xây dựng hàng rào pháp lý trong việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và có định hướng giữa các đài, các đơn vị sản xuất và giữa các chương trình với nhau, không để xảy ra tình trạng vì để có khách mà nơi thì kiểm soát gắt gao thì bị khách hàng rời bỏ, một nơi thì gần như không kiểm duyệt, dễ dãi trong kiểm soát để rồi hỗn loạn, để vi phạm pháp luật, có tranh chấp, có kiện cáo, phải xử lý và những hệ lụy xã hội khác./.

Lan Hương

Các bài viết khác