ĐẠI BIỂU TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: ĐIỂM YẾU TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH

18/12/2020

Thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh đề nghị lưu ý đến một số vấn đề tồn tại trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại tổ, bày tỏ nhất trí về những ưu điểm trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng vấn đề triển khai chính sách là gót chân asin của chúng ta. Khi đề ra chính sách đúng nhưng đi vào triển khai thì có chuyện, ví dụ vấn đề cứu trợ, mới phong thanh về dịch là có hiện tượng nâng giá. Vấn đề rừng thì hàng chục năm nay chúng ta có chỉ tiêu, kế hoạch, quy hoạch, làm thủy điện nói là phá bao nhiêu thì trồng lại bấy nhiêu nhưng phá rồi mà không trồng lại. Cử tri phản ánh là phá trước, khai thác gỗ nguyên sinh để có một số vốn ban đầu làm thủy điện. Sự trồng lại này về số lượng không đáp ứng được và không ai kiểm soát xem trồng lại so với nguyên sinh tác động vào môi trường như thế nào. Một ha rừng nguyên sinh thì bảo đảm môi trường, an toàn cho đất đai còn hơn 10 ha trồng lại vì nguyên sinh thì rễ bám sâu, giữ đất tốt hơn. Hay như vấn đề  vốn đầu tư công, kêu gọi vốn thì nằm đó nhưng Thủ tướng nói 5 lần 7 lượt cũng không thúc đẩy được. Tương tự trong luật pháp, luật pháp chúng ta khá đồng bộ và Quốc hội cũng đã thông qua nhiều chính sách rất tốt nhưng khi đi vào cuộc sống thì không được. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng điểm yếu của chúng ta là vấn đề mà triển khai các chính sách.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh

Về sản xuất nông nghiệp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ không hoàn toàn đồng tình với nhận định đây là trụ đỡ khi khó khăn. Đại biểu cho rằng nông nghiệp đối với Việt Nam từ 5 năm trở lại không phải là trụ đỡ khi khó khăn nữa mà là một ngành kinh tế chiến lược, bảo đảm phát triển bền vững lâu dài và sẽ đóng góp rất nhiều vào GDP nếu chúng ta đi theo hướng hiện đại hóa kết hợp với công nghệ và học tập kinh nghiệm của một số nước có nền nông nghiệp tiên tiến. Đại biểu nhấn mạnh nông nghiệp sẽ là một trong những trụ đỡ bền vững, lâu dài chứ không phải chỉ khi khó khăn.

Về thương mại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng do ảnh hưởng của Covid, thiên tai nên chưa thật sự khai thác nhanh các FTA vừa ký, cùng với đó là một số tranh chấp thương mại quốc tế đòi hỏi phải có sự chuẩn bị. Bởi nếu không chuẩn bị, không biết tự bảo vệ thì khi các nước đối tác đánh thuế từ 0% lên 3%, 5%, 10% sẽ rất ảnh hưởng. Điều này đòi hỏi đội ngũ luật sư giỏi và phải trong nước và ngoài nước kết hợp Một khi hội nhập sâu rộng, thương mại phát triển thì kiện tụng thương mại càng phát sinh. Do đó cần lưu ý vấn đề này.

Vấn đề ngân sách, đại biểu đề nghị  lưu ý đến việc hụt thu lớn. Vừa qua khi đất nước gặp khó khăn, người dân rất nhiệt tình, không ai chỉ đạo mà họ tự vận động. Người dân lo ngại những vấn đề quan cách, tiêu cực cho nên rất nhiều người muốn lặn lội vào những vùng đó, vùng sâu, vùng xa, trực tiếp hỗ trợ nạn nhân. Nhận thức được lòng dân và sức dân như vậy thì trong vấn đề ngân sách hiện nay có nên nghĩ đến các hình thức huy động, trong đó có trái phiếu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng vấn đề bất động sản cũng cần phải lưu ý, để tránh xảy ra bong bóng bất động sản. Vừa qua có một số cảnh báo bất động sản phát triển 20 năm qua nhưng số người dân có thể mua được nhà không nhiều. Nước ta phát triển mười mấy năm qua, ngân sách thu rất nhiều, tốn rất nhiều đất đai nhưng số lượng người dân bình thường, công dân có nhà cửa ổn định thì không được bao nhiêu. Vấn đề này không chỉ là kinh tế mà còn liên quan tới an sinh xã hội lâu dài.

Về biến đổi khí hậu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ mong muốn các Bộ ngành cũng như Chính phủ có một đánh giá 20 năm qua bao nhiêu là thiên tai, bao nhiêu là nhân tai. Thiên tai thì không né được, có thể nặng hơn, dồn dập hơn nhưng nếu chúng ta làm tốt hơn công tác phòng tránh và bớt tác động gây thiệt hại và chuẩn bị trước. Đại biểu chỉ rõ làm hàng ngàn dự án thủy điện thì khi thiên tai đổ ập xuống như mấy tháng qua thì hệ thống thủy điện này làm thế nào để hạn chế được thiệt hại, bài toán này có tính chưa. Chúng ta chỉ tính thủy điện, phá rừng xong trồng rừng, nhưng có tính sạt lở chưa, có tính số lượng lớn như vậy thì ảnh hưởng đến hàng triệu dân như thế nào, nước đổ về các vùng thành phố thì ảnh hưởng thế nào. Đại biểu nhấn mạnh cần có sự phân tích để 10 - 20 năm tới chúng ta ứng phó được, không lặp lại như hiện nay. Thiên tai không thể quy hết cho con người nhưng nếu con người làm tốt và các nước cũng có bài học kinh nghiệm của họ thì thiệt hại sẽ đỡ hơn rất nhiều, cả về sinh mạng lẫn của cải vật chất.

Ngoài ra còn có việc tái cơ cấu một số ngân hàng hay xử lý 12 dự án của Bộ Công thương cũng là những vấn đề đáng lo ngại mà chưa có giải pháp./.

Bảo Yến