ĐBQH HÀ SỸ ĐỒNG: HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU ĐƯA ĐIỆN VỀ VÙNG KHÓ KHĂN

18/12/2020

Trước thực trạng hàng nghìn thôn bản chưa có điện lưới quốc gia, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về giải pháp đưa điện về vùng nông thôn, miền núi và hải đảo. Vậy thực trạng hơn 1 năm sau chất vấn của ĐBQH như thế nào?

Điện lưới quốc gia thắp sáng mọi miền tổ quốc

Nhằm giải quyết những khó khăn, bức thiết về nhu cầu sử dụng điện cho người dân, ngày 8/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg.

Ngày 26/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo. Mục tiêu của chương trình, đến năm 2020 cả nước xây dựng được hệ thống cấp điện cho 17 xã chưa có điện, 9.753 thôn, bản chưa có điện, bảo đảm cấp điện cho 11 huyện đảo với tổng vốn thực hiện chương trình là 30.116 tỷ đồng.

Ngàng điện lực đưa ánh sáng đến mọi vùng miền của tổ quốc

Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, những năm qua, ngành điện lực không ngừng tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp tiền của, công sức nhằm đưa ánh sáng đến mọi vùng miền của tổ quốc. Từ chỗ nhiều thôn, bản chỉ biết tới đèn dầu leo lắt, đến nay dòng điện đã phủ sáng tới hàng nghìn thôn bản khó khăn, xã đảo, huyện đảo xa xôi.

Nhiều địa phương đã hoàn thành mục tiêu, điện lưới quốc gia đã kéo về tới mọi hộ dân, thôn bản cuối cùng. Đơn cử, tại tỉnh Phú Yên, 14 hộ dân cuối cùng ở làng Lạc Sanh, thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa đã được thắp sáng bằng nguồn điện lưới vào tháng 12/2020. Trước đó, vào tháng 9/2020, xóm bản cuối cùng của tỉnh Thái Nguyên là xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai cũng đã hoàn thành chương trình cấp điện. Cũng trong tháng 9/2020, đảo Trần-hòn đảo cuối cùng của tỉnh Quảng Ninh cũng được cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Việc đóng điện cho đảo Trần đã hoàn thành mục tiêu 100% số hộ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh có điện lưới quốc gia.

Ông Đỗ Đức Quân: Đưa điện về vùng khó khăn là chính sách ưu tiên của Chính phủ

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương cho rằng, cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo là chính sách ưu tiên của Chính phủ. Những năm qua, điện lưới quốc gia đã tạo nên những kết quả đáng khích lệ của mọi mặt đời sống xã hội. Nhiều địa phương có cơ hội bứt phá vươn lên, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng an ninh và chủ quyền Quốc gia. Hiện Bộ Công thương đang tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế và ngân hàng thế giới để huy động các nguồn lực nhằm tiếp tục cung cấp điện cho nhân dân.

1.400 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia

Dù đã có những bước tiến lớn khi hiện thực hóa mục tiêu thắp sáng mọi miền tổ quốc, tuy nhiên vẫn còn 1.400 thôn, bản chưa có điện và phải sử dụng dầu và các nguyên liệu khác để thắp sáng. Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện còn tới 45 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia. Tại tỉnh Quảng Nam hiện cũng còn gần 4.000 hộ gia đình cũng chưa có điện.

Đại biểu Bế Minh Đức: Nhiều gia đình bất chấp rủi ro để có ánh sáng

Đại biểu Bế Minh Đức, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, cho biết gần 11% hộ gia đình trong tỉnh chưa có điện. Để có được nguồn ánh sáng người dân chỉ biết nhờ cậy vào cây đèn dầu hoặc bếp lửa. Có những hộ gia đình khá giả hơn chấp nhận rủi ro để có nguồn ánh sáng bằng cách tự đầu tư máy phát điện mi ni, pin năng lượng mặt trời hoặc bình ắc quy. Song đáng lưu tâm là phần lớn người dân tự ý mua các thiệt bị điện và tự dựng cột, kéo dây tạm bợ từ những địa phương lân cận về sử dụng. Nguồn điện không những không ổn định mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây nguy hiểm đến cả tính mạng.

Thực tiễn cho thấy, không có điện, đời sống của người dân vốn đã khó khăn càng thêm thêm khó khăn. Đơn cử, tại những vùng núi cao, phần lớn người dân là dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là lõi nghèo của cả nước. Dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 52% tổng số hộ nghèo của cả nước. 13 dân tộc hiện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; 19 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% - 50%.

Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn

Trước thực trạng hàng nghìn thôn bản chưa có điện, chưa đáp ứng mục tiêu của Quyết định số 2081 và Nghị quyết số 73 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, sáng 7/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, trước Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề này.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo là đề án chính trị rất quan trọng của Đảng và Nhà nước, hướng tới cung cấp điện lưới quốc gia cho hơn 1000 hộ nông dân ở 17 xã và là 9.890 thôn bản trên cả nước ở tất cả vùng núi, vùng nông thôn, vùng hải đảo, vùng đảo còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận chương trình không đảm bảo thực hiện được theo đúng tiến độ đề ra. Nguyên nhân là do không bố trí được nguồn vốn, do vướng mắc về trần nợ công của quốc gia. Bộ trưởng cho rằng, nếu được Chính phủ, Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế thì chúng ta sẽ có điều kiện bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, thậm chí sớm hơn, qua đó cải tạo hệ thống lưới điện và hệ thống truyền tải điện ở nông thôn để đảm bảo tất cả hơn 1.050.000 hộ dân trong chương trình sẽ được nhận điện từ lưới điện quốc gia và đảm bảo điều kiện về sinh hoạt cũng như phục vụ cho đời sống kinh tế -xã hội tại địa phương.

Huy động mọi nguồn lực để thực hiện hoá mục tiêu đưa điện về vùng khó khăn

Để đánh giá và giám sát việc thực hiện trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hà Sỹ Đồng về vấn đề này:

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Huy động mọi nguồn lực để tiếp tục thực hiện hoá mục tiêu đưa điện về vùng khó khăn

Phóng viên: Được biết tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương. Vậy đại biểu có thể cho biết nội dung chất vấn của đại biểu là gì?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Thực hiện Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về việc phủ kín lưới điện quốc gia vùng nông thôn, miền núi hải đảo, thời gian qua các địa bàn khó khăn trong đó có tỉnh Quảng Trị dù đã huy động mọi nguồn lực cùng với ngành điện đưa điện lưới về vùng nông thôn giúp người dân cải thiện đời sống nâng cao dân trí, tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nguồn lực còn hạn hẹp, nên còn nhiều thôn bản chưa có điện, chất lượng công trình cũng chưa được cao, xuống cấp.

Việc lưới điện quốc gia chưa đáp ứng mục tiêu theo Nghị quyết 73 của Chính phủ đã ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo của địa phương. Từ những lý do này tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Tôi hi vọng Bộ trưởng có những giải pháp mạnh hơn, đầu tư mạnh hơn, nâng cấp hệ thống điện lưới cho vùng nông thôn miền núi, hải đảo để người dân có cơ hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Phóng viên: Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu. Đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương. Bộ trưởng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của trưởng ngành công thương, nắm chắc nghiệp vụ vấn đề tôi quan tâm.

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã thẳng thắn thừa nhận việc đưa điện về những vùng khó khăn vẫn còn chậm theo tiến độ đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu. Ở đây, tôi cũng rất chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Công thương khi chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của việc chậm chễ này do nguồn vốn là chủ yếu. Song cũng phải thấy rằng, phần lớn những vùng chưa có điện đều là những nơi giao thông đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở, người dân sống thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt. Đây cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ phủ sáng nguồn điện.

Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn ngành công thương cùng các bộ ngành chức năng quyết tâm hơn nữa, huy động sự vào cuộc tích của các cấp các ngành, các tổ chưc cá nhân mạnh hơn nữa để điện lưới quốc gia sớm đến với những vùng khó khăn, hẻo lánh để người dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa vùng sâu vùng xa và vùng đồng bằng. Với những nơi hệ thống lưới điện đã xuống cấp có chính sách mạnh hơn để hệ thống lưới điện được đảm bảo, qua đó cũng tiết kiệm được điện năng.

Phóng viên: Sau hơn một năm chất vấn, đại biểu có đánh giá như thế nào về hiệu quả thực hiện lưới điện quốc gia trong thời gian qua?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Năm 2020, dù đối diện với nhiều khó khăn thách thức từ đại dịch Covid 19, nhưng mục tiêu đưa điện về vùng khó khăn vẫn luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngành điện lực các địa phương từng bước vận dụng các chính sách của Nhà nước, tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ ngành địa phương nhằm huy động vốn trong nước, đồng thời, hợp tác với các tổ chức quốc tế tranh thủ nguồn vốn ưu đãi để có kinh phí đầu tư cho điện nông thôn. Nhờ đó, năm qua, hàng loạt công trình đầu tư phát triển lưới điện hoàn thành, nhiều địa phương phủ kín nguồn sáng ở các hộ gia đình, thôn bản khó khăn nhất. Các địa phương có điện lưới đã góp phần tạo động lực cho các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo của nước ta trong năm qua. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, thì cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc cũng được củng có, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Hệ thống lưới điện là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội tại các địa phương, tuy nhiên, hiện cả nước vẫn còn hàng nghìn thôn bản chưa có điện. Đáng lưu tâm, phần lớn những nơi chưa có điện đều là những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Những nơi này đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt và chăn nuôi nhưng do chưa tiếp cận được với nguồn điện nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất còn nhiều hạn chế khiến năng suất và chất lượng tăng gia sản xuất không cao. Không có điện, người dân cũng khó có cơ hội thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi qui mô và tập quán canh tác, chăn nuôi; các làng nghề truyền thống cũng không phát huy được hiệu quả do không thể sử dụng công cụ máy móc thay thế sức người và mở rộng ngành nghề. Do vậy nhiều nơi còn rất khó khăn, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đưa điện về vùng khó khăn, giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Giai đoạn 2016-2020 chúng ta gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực về vốn, do vậy mục tiêu đưa điện về vùng khó khăn theo tinh thần Nghị quyết số 73 của Chính phủ không đạt. Do vậy, tôi đồng tình với giải pháp của Bộ Công thương tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống lưới điện ở giai đoạn 2020-2025. Đẩy mạnh các giải pháp để huy động được các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức nước ngoài để giai đoạn mới này điện lưới quốc gia sẽ phủ kín tới tất cả các thôn bản khó khăn và tiếp tục nâng cấp hệ thống lưới điện cho những vùng đã xuống cấp.

Tuy nhiên, khi chính sách và nguồn vốn được đảm bảo thì tiến độ thi công các công trình như giải phóng mặt bằng hay trách nhiệm của các bên liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn để đảm bảo điện lưới quốc gia về các vùng khó khăn thực sự đạt hiệu quả tối ưu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của các thành phần kinh tế trong việc phát triển hệ thống lưới điện vùng khó khăn. Đại biểu cho rằng, cần sự nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía. Bên cạnh nguồn vốn từ các đối tác, các tổ chức quốc tế thì vai trò của các tổ chức cá nhân, các thành phần kinh tế xã hội là rất quan trọng. Có sự chung sức, đồng lòng này thì chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo mới đạt mục tiêu đề ra./.

Lê Phương