ĐBQH NGUYỄN SƠN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

21/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã đóng góp một số ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Bàn về đối tượng áp dụng tại Điều 2 của Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Sơn nhất trí chọn phương án 1 trong dự thảo luật: “Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập theo quy định của Luật Việc làm” vì theo đại biểu, phương án này có tính thực tiễn cao hơn, phù hợp với quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế, góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống.

Thêm nữa, theo đại biểu, cả nước có hệ thống các Trung tâm giới thiệu việc làm của bộ ngành và các tỉnh, các Trung tâm này thể hiện được 7 nhiệm vụ mà trong Luật Việc làm quy định. Đồng thời, đây cũng là nơi tạo nguồn, là một kênh để các đơn vị xuất khẩu được cấp phép tìm kiếm người đi làm việc.

Đại biểu Nguyễn Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

"Thực chất các Trung tâm việc làm này đã thực hiện nhiệm vụ này trong nhiều năm", đại biểu nói. Theo đại biểu Nguyễn Sơn, trước đây, đưa các lao động đi làm việc nước ngoài vẫn theo quy định của luật này, song để đáp ứng thực tiễn hơn, dự thảo luật đã bổ sung thêm các Trung tâm có tư cách pháp nhân để trực tiếp thực hiện việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thẩm quyền, đó là thực hiện điều ước quốc tế do địa phương thỏa thuận.

Nhất trí với phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sơn cũng cho rằng, tuy dự thảo Luật chưa điều chỉnh vấn đề người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo xu hướng dịch chuyển lao động trong khu vực nhưng không có hợp đồng lao động nhưng việc bảo vệ đối tượng này cần được đặt ra. Theo đó, Chính phủ cần phối hợp với các nước trong khu vực, nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, từng bước tạo hành lang pháp lý phù hợp. “Vấn đề này cần được nghiên cứu sớm để giúp người lao động phi chính thức được bảo vệ theo tinh thần của Bộ luật Lao động”, đại biểu Nguyễn Sơn nhấn mạnh.

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước trong Điều 67, 68, 69, đại biểu Nguyễn Sơn bày tỏ sự đồng tình và cho rằng, đây thực chất là những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đại biểu cho rằng quỹ lao động này rất có tác dụng, đỡ cho cả nhà nước và người dân, tạo sự an tâm, vì khi đi lao động ở ngoài nước thì có rất nhiều rủi ro, có một quỹ như thế mới bảo đảm cho người lao động tin tưởng và cũng tạo điều kiện để hỗ trợ khắc phục những rủi ro cho người lao động, bảo đảm được quyền lợi cũng như trách nhiệm, kể cả hỗ trợ doanh nghiệp an tâm hơn khi có được quỹ này, giúp họ xử lý những rủi ro, mở rộng thị trường và những yếu tố khác trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Sơn đề nghị tính toán và khắc phục những hạn chế đã nêu, đồng thời, đề nghị Chính phủ có quy định để nâng mức thụ hưởng một số rủi ro để phù hợp hơn, có giá trị hơn, vì vừa rồi có những rủi ro mà mức hỗ trợ quá thấp. Theo đại biểu, cần có sự công khai, minh bạch và định kỳ giám sát trách nhiệm của phần đóng góp cũng như chi tiêu để tồn dư quỹ không quá lớn, tạo điều kiện cho người thụ hưởng và người lao động bị rủi ro được đáp ứng cao hơn.

Hồ Hương

Các bài viết khác