ĐBQH NGÀN PHƯƠNG LOAN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

24/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ngàn Phương Loan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã đóng góp một số ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Ngàn Phương Loan đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lược bỏ khoản 4 và khoản 5 của Điều 3, vì các nội dung này đã được quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 3 của Bộ luật Lao động. Đại biểu chỉ rõ, nếu trường hợp dự thảo luật vẫn giữ quy định nội dung này thì lại trái với quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Ngoài ra, đại biểu Ngàn Phương Loan đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm vào khoản 4 Điều 7 cho đầy đủ hơn, như hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động, ngược đãi người lao động để phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 8 của Luật Doanh nghiệp quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp. Theo đó, sau khi bổ sung, đại biểu đề nghị viết lại khoản 4 Điều 7 như sau: “phân biệt đối xử trong lao động, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động, ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Đại biểu Ngàn Phương Loan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Tại điểm b khoản 2 Điều 46 quy định việc xác nhận sơ yếu lý lịch đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động, đại biểu Ngàn Phương Loan đề nghị xem xét chỉ quy định chủ thể xác nhận sơ yếu lý lịch của người lao động là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người lao động, vì đây là cơ quan chức năng có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc xác nhận lý lịch của công dân theo quy định của pháp luật, còn các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động vẫn là một khái niệm chung chung, nhiều người lao động hiện nay chỉ làm việc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ, không có chức năng, nhiệm vụ xác nhận sơ yếu lý lịch cho người lao động theo quy định của pháp luật. Mặt khác, các đơn vị này chỉ nắm được các thông tin cơ bản theo sổ quản lý lao động của đơn vị, không có đầy đủ các thông tin về nhân thân, lý lịch được kê trong bản sơ yếu lý lịch của người lao động, do đó mức độ tin cậy chưa được bảo đảm.

Cuối cùng, đại biểu Ngàn Phương Loan cho rằng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 như dự thảo luật là chưa chặt chẽ, vì liên quan đến điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, còn liên quan đến nhiều loại tội danh khác được quy định trong Bộ luật Hình sự. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại điểm c khoản 1 Điều 10 như sau: “Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên, không có án tích về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội danh khác theo quy định của Bộ luật Hình sự, không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm”.

Hồ Hương