ĐBQH TẠ VĂN HẠ: CẦN CÂN BẰNG GIỮA DOANH NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ NGOÀI CÔNG LẬP TRÊN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

25/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đã đóng góp một số ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ đã bàn về một số vấn đề cụ thể nhằm hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi thông qua. Trước hết, đại biểu cho rằng đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 của Dự thảo luật có ý nghĩa quan trọng, đây chính là định hướng, nguyên tắc xuyên suốt để sửa đổi Luật này. Góp ý về việc có hay không nên đưa Trung tâm Dịch vụ việc làm, đơn vị sự nghiệp công lập vào đối tượng áp dụng, đại biểu cho rằng, sức lao động được coi là một loại hàng hóa. Trên thế giới đã hình thành thị trường lao động, khi có thị trường thì phải do cơ chế thị trường điều tiết. Do vậy, Dự thảo Luật xây dựng không chỉ phục vụ tại Việt Nam mà còn phải hội nhập với khu vực và quốc tế, tạo ra môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển, trong đó có cả các đơn vị công lập và đơn vị ngoài công lập.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, khi có những thỏa thuận, hiệp ước hay những đơn đặt hàng hay cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với các chính phủ khác về đưa người đi lao động nước ngoài thì phải được công khai, và được đưa ra đấu thầu với từng đơn hàng và từng thị trường. Không phải Nhà nước ký kết thì Nhà nước giao cho các đơn vị công lập thực hiện, còn các đơn vị ngoài công lập thì tự bơi. Như vậy rõ ràng là tạo môi trường không lành mạnh, cạnh tranh không bình đẳng giữa các đơn vị, các tổ chức tham gia thị trường này, giữa công lập và ngoài công lập. Thị trường này muốn phát triển được và phát triển mạnh, cân bằng thì phải cân bằng giữa công lập và ngoài công lập như 2 cánh của một con chim, cân bằng thì mới bay được. “ Nếu luật xây dựng được theo mục tiêu nguyên tắc này thì vấn đề công lập hay ngoài công lập không còn là vấn đề quan trọng để tranh cãi nữa”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhận định.  

Bên cạnh đó, không chỉ công bằng cho doanh nghiệp, cho tổ chức hoạt động ở lĩnh vực này mà là cho cả người lao động. "Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản, thậm chí tiền lương cũng là do người dân đóng góp, vậy tại sao có một bộ phận lao động đi nước ngoài thì tiếp cận được qua kênh của nhà nước, công lập thì không phải đóng phí dịch vụ, còn người đi theo thị trường ở bên ngoài thì phải đóng phí dịch vụ?” đại biểu Tạ Văn Hạ băn khoăn.

Đối với đơn vị công lập cũng làm dịch vụ này, nhưng lại không được thu phí dịch vụ. Vậy thì quảng cáo, tuyên truyền, khai thác đơn hàng ở các thị trường khác thì lấy từ đâu, hay lại ngân sách nhà nước? Do vậy đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng đây là một nguyên tắc trong khi xây dựng luật này.

Cũng theo đại biểu Tạ Văn Hạ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xây dựng nhằm hướng tới người lao động trước, trong và sau khi họ lao động từ nước ngoài về. Tuy nhiên đại biểu chỉ rõ, đối với người lao động trước và sau khi đi lao động thì đã được quy định đầy đủ, nhưng trọng tâm của luật là các đối tượng khi họ đang lao động ở nước ngoài mới là chính, chứ không phải về quản lý nhà nước. Lao động khi tham gia lao động ở nước ngoài còn rất nhiều thiệt thòi, chẳng hạn như việc bố trí công việc không phù hợp, mức lương trả không xứng đáng... Lao động các nước khác đi lao động được trả lương là công nhân, nhưng lao động Việt Nam thậm chí còn phải học việc, gọi là tu nghiệp sinh và phải trừ đi một khoản để được đào tạo. Đặc biệt, với những thị trường lao động ở những quốc gia hiện nước ta chưa đặt cơ quan đại diện thì luật, Nhà nước, chính sách của Nhà nước giúp đỡ, can thiệp, hỗ trợ như thế nào? Do vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng chính sách đối với những đối tượng này cần phải quy định rõ ràng và cụ thể hơn.

Hồ Hương