ĐBQH NGUYỄN TẠO NÊU QUAN ĐIỂM VÀO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

28/12/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Tạo– Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu quan điểm đối với dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh vai trò của Liên Hợp Quốc trong hoạt động gìn giữ hòa bình, hoạt động này được Liên Hợp Quốc triển khai từ năm 1948 đến nay nhằm ngăn ngừa xung đột, chiến tranh được nhiều nước trên thế giới đánh giá rất cao. Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc, thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ, đồng thời tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác giải quyết những vấn đề an ninh quốc tế đang nổi lên, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Tạo cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết về tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc do Chính phủ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Tạo xin đóng góp một số ý kiến cụ thể: Đối với hồ sơ của nghị quyết, qua thực tiễn tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc của Việt Nam trong thời gian vừa qua ở Nam Sudan thuộc phái bộ Nam Sudan từ năm 2014 đến nay. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo có đánh giá, tổng kết để báo cáo với Quốc hội nhằm cho đại biểu Quốc hội có thêm thông tin tình hình tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, từ đó có cái nhìn tổng thể hơn khi thông qua nghị quyết quan trọng này.


Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Qua dự thảo, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, nghị quyết đã được các cơ quan chức năng của Chính phủ soạn thảo, chuẩn bị rất kỹ, chặt chẽ và rõ ràng. Căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tôi bày tỏ sự đồng ý, thống nhất cao, đề nghị Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình thông qua tại kỳ họp lần này, quy trình một kỳ họp.

Về nguyên tắc, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để khẳng định rõ hơn trong nội dung, nguyên tắc quan trọng về chính sách quốc phòng của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với chủ trương 4 không. Một là, không tham gia liên minh quân sự. Hai là, không liên kết với nước này để chống nước kia. Ba là, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Bốn là, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, thể hiện rõ lập trường quan điểm về chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Về phạm vi lĩnh vực hoạt động, đại biểu Nguyễn Tạo thống nhất các lĩnh vực mà lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc của Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về điều khoản quét tại điểm 1 khoản 3 của Điều 5 có quy định các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định. Đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ quan điểm như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Việt Nam chỉ tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và hoạt động trong khuôn khổ của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, Việt Nam tham gia trong lĩnh vực như nội dung nghị quyết nêu là đầy đủ và phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Một nội dung hết sức quan trọng mà đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung tại Chương III, có 3 điều là Điều 10, 11, 12 về thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng. Đó là phải nêu được vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của Quốc hội trong thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong hoạt động giám sát tối cao theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. Ở đây có mấy vấn đề quan trọng như sau:

Một là, về quân số tham gia vào lực lượng hoạt động gìn giữ hòa bình. Hai là, về trang bị vũ khí, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Ba là, chế độ, chính sách cho lực lượng vũ trang tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp. Bốn là, cử lực lượng luân phiên, thay thế hoặc rút lực lượng, đặc biệt là khi thực hiện biện pháp cưỡng chế nhằm khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế theo Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ở đây, phải thiết kế một điều khoản là hằng năm Hội đồng Quốc phòng và An ninh hoặc Chính phủ phải báo cáo hoạt động của các lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cho Quốc hội để bảo đảm tính công khai hoạt động của các lực lượng này. Ở đây cũng cần làm rõ chế định về mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ là Thủ trưởng cơ quan tham mưu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này với Chủ tịch nước, với Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đối với việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Về sử dụng từ ngữ, phải nói rằng đây là một nghị quyết có tính chất pháp lý về quan hệ quốc tế rất quan trọng. Do đó, đề nghị nên sử dụng tên nước là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho thống nhất. Có điều luật có cấu trúc tương tự nhưng chúng ta sử dụng tên đầy đủ là “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ở Điều 4, Điều 9, nhưng có nơi chúng ta chỉ sử dụng là “Việt Nam” ở như ở Điều 6.

Về Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ ở Điều 8, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị trong nghị quyết phải quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam ngay trong luật này, không nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Về chế độ, chính sách ở Điều 14, phải nói rằng Nghị quyết đã quy định chung về hưởng chế độ, chính sách của lực lượng Việt Nam./.

Bích Lan