ĐBQH NGUYỄN THỊ XUÂN ĐỀ NGHỊ RÀ SOÁT CÁC DỰ ÁN THUỶ ĐIỆN ẢNH HƯỞNG ĐẾN RỪNG

08/01/2021

Tại buổi thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắk đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, qua báo cáo và thực tiễn diễn ra, nền kinh tế nước ta tuy có tăng trưởng nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao. Sự biến đổi của cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm trên cả 3 mặt quan trọng là cơ cấu ngành, cơ cấu vùng và cơ cấu thành phần kinh tế. Tỷ trọng sản phẩm công nghiệp, ngăn chặn sản phẩm chế tác còn thấp và chưa bền vững. Sản phẩm nông nghiệp tuy có tăng cao nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu, thiên tai.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm nước ta thiệt hại khoảng 9 tỷ USD do thiên tai. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Chính phủ và các cơ quan chuyên môn cần có đánh giá thực sự khách quan, khoa học để có phương hướng và giải pháp phù hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Về phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh đến Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu kiến nghị Chính phủ lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 nằm trong tổng thể chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Để tập trung các nguồn vốn, chương trình mục tiêu, vốn trung hạn và dài hạn để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vừa qua Quốc hội, Chính phủ cho phép 3 thành phố lớn thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù với nhiều lợi thế để 3 đầu tàu này phát triển nhanh. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép các địa phương còn nhiều khó khăn có những cơ chế, chính sách đặc thù để các địa phương này thoát nghèo, vượt qua khó khăn để phát triển và từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. 

Đề cập vấn đề an ninh nguồn nước, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng qua thực tiễn thiên tai, bão lụt miền Trung hiện nay cho thấy vấn đề này phải gắn liền với phòng, chống thiên tai, lụt bão và vấn đề an ninh năng lượng. Đó là vấn đề rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, an toàn hồ đập, vấn đề xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, vấn đề quy hoạch xây dựng hạ tầng.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục cho thực hiện chương trình trồng rừng tương tự như chương trình trồng rừng 327 trước đây.

Có thể nói rằng chúng ta đang bị suy giảm rừng nguyên sinh khá nhiều. Vì vậy, vấn đề trồng rừng tái sinh là vấn đề hết sức cấp bách, có rừng sẽ giữ được nguồn nước, có rừng sẽ giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhận định.

Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có nội dung trồng rừng tái sinh và bố trí vốn cho việc này

Việc này vì lợi ích trước mắt và lâu dài cho con cháu chúng ta, như lời Bác Hồ dạy 'vì lợi ích 10 năm trồng cây'”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói.

Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các địa phương nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc. Cần cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch điện đến năm 2030.

Trong thực tế, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là 'lợi bất cập hại', sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu. Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho các lưu vực hạ lưu, rừng và cây rừng, tài nguyên bị các chủ đầu tư khai thác triệt để. Nhiều cử tri cho rằng, thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp” – nữ đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phản ánh.

Theo đại biểu, thực tế cho thấy, đã có nhiều chủ dự án thủy điện nhỏ sau khi được cấp giấy phép xây dựng xong đã nhanh chóng bán lại dự án thủy điện cho các chủ đầu tư khác. Đây cũng là lúc đã khai thác cơ bản tài nguyên khoáng sản.

Chính phủ cần chỉ đạo rà soát hết các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước. Kiểm tra xem có bao nhiêu dự án thủy điện đã sang tên cho các chủ đầu tư khác như thực trạng cử tri đã phản ánh. Tôi đề xuất Quốc hội có chuyên đề giám sát việc trồng lại rừng thay thế của các dự án xây dựng hồ đập và thủy điện trong những năm qua”,  đại biểu Nguyễn Thị Xuân kiến nghị.

Hồ Hương

Các bài viết khác