ĐBQH NGUYỄN VĂN CHƯƠNG GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

11/01/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chương, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đề nghị bỏ vai trò chủ trì của Bộ và cơ quan ngang Bộ tại điểm b khoản 1 điều 10 về nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Đại biểu Nguyễn Văn Chương – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Chương – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhận định rằng nội dung dự thảo luật đã được điều chỉnh, sửa đổi rất gọn, rõ hơn và sát với thực tiễn. Đại biểu bày tỏ nhất trí gọi tên là Luật Biên phòng Việt Nam như dự thảo mà Chính phủ đã trình bày.

Tại Điều 12, về vị trí chức năng của Bộ đội biên phòng, phản hồi lại những ý kiến cho rằng cần cân nhắc cụm từ là lực lượng chuyên trách làm nòng cốt và chức năng duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu quốc gia, vì sẽ chồng chéo hoặc lấn sân của Luật Công an nhân dân, đại biểu Nguyễn Văn Chương cho rằng việc chỉ định lực lượng chuyên trách làm nòng cốt là thống nhất với các nghị quyết của Bộ Chính trị, phù hợp với Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh biên giới năm 2004, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Quốc phòng năm 2018 và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh (sửa đổi năm 2019). Sự phù hợp đó không có điều gì phải bàn cãi, vì người gác cửa biên giới quốc gia được Nhà nước giao cho lực lượng Bộ đội biên phòng, lực lượng này phải là lực lượng chủ yếu trong việc bảo vệ biên giới quốc gia. Do vậy, họ giữ vai trò nòng cốt, chủ trì là hoàn toàn đúng đắn.

Thứ hai, đại biểu cho rằng, gọi là lực lượng chuyên trách, là vì từ người lính đến sĩ quan cấp thấp, cấp cao thì họ đều được đào tạo chuyên sâu và bài bản, được rèn luyện và có nhiều kinh nghiệm hơn ai hết trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia. Trao đổi với những ý kiến cho rằng cần xem lại chức năng duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật của khu vực biên giới, vì sợ chồng chéo, lấn sân với công an, đại biểu nêu rõ, ở khu vực biên giới quốc gia có những quy định riêng, an ninh riêng mà căn cứ vào đó Bộ đội biên phòng thực thi nhiệm vụ của mình, những quy định đó có sự khác biệt với an ninh nội địa. An ninh biên giới, trật tự biên giới do Bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm giữ vai trò chủ trì là đúng, có nhiệm vụ cần phối hợp với lực lượng công an thì chắc chắn Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp sao cho việc thực thi pháp luật của 2 lực lượng này không chồng chéo nhau. Theo nguyên tắc này thì ở các cấp chính quyền địa phương cũng đều phải có quy chế phối hợp hoạt động.

Thực tiễn trong nhiều năm qua, nội dung phối hợp và kết quả phối hợp từ năm 1997 đến tháng 12/2018 đều đạt kết quả tốt. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, từ tháng 01/2020 đến nay đã quản lý biên giới an toàn, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh và các loại tội phạm. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, trong phối hợp hoạt động sẽ xảy ra những tình huống hết sức phức tạp, việc xử lý khó tránh khỏi những va chạm, thiếu sót, điều này thuộc về trách nhiệm cụ thể của người chỉ huy mỗi bên tại thực địa. Cuộc khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/9/2020 với các cơ quan có liên quan không phát hiện những mâu thuẫn lớn trong công tác phối hợp. Việc phối hợp giữa 2 lực lượng Bộ đội biên phòng và Công an trên Thành phố Hồ Chí Minh đã ổn định và thành nền nếp từ lâu.

Tại Điều 10 dự thảo luật mới nói về nội dung phối hợp, đại biểu kiến nghị bỏ vai trò chủ trì của Bộ và cơ quan ngang Bộ tại điểm b khoản 1. Vì vai trò chủ trì ở điểm a khoản 1 đã ghi rõ người chủ trì là Bộ Quốc phòng, vì vậy ở các địa phương Bộ đội biên phòng ở các khu vực biên giới, cửa khẩu quốc gia cũng phải giữ vai trò chủ trì. Đại biểu cho rằng cần làm vậy vì từ xưa đến nay được giao nhiệm vụ chủ trì, người chủ trì là người đưa ra những nội dung và yêu cầu với đối tác phối hợp trên cơ sở lợi ích quốc gia mà thống nhất chương trình, nội dung phối hợp. Nếu để Bộ và cơ quan ngang Bộ giữ vai trò chủ trì lần nữa thì sẽ nảy sinh bất cập. Đại biểu khẳng định rằng vai trò chủ trì và lực lượng nòng cốt chuyên trách đối với Bộ đội biên phòng cửa khẩu biên giới quốc gia là điều tất nhiên.

Tại Điều 14, Điều 15, Điều 17 dự thảo luật lần này trình bày rất rõ về quyền hạn của Bộ đội biên phòng. Việc hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động của vành đai biên giới khu vực biên giới quốc gia, việc huy động người, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật dân sự, v.v. sẽ tạo thuận lợi cho Bộ đội biên phòng và người chỉ huy biên phòng hành động kịp thời trong xử lý mọi tình huống. Với 6 chương, 36 điều đã bổ sung và sửa đổi sát với thực tiễn, đại biểu Nguyễn Văn Chương bày tỏ tán thành thông qua Luật Biên phòng Việt Nam tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV./.

Minh Hùng