ĐBQH TRẦN HỒNG NGUYÊN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

19/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã có ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết và nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết, đồng thời cũng nhất trí với việc trình Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua nghị quyết này tại kỳ họp thứ X. Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Hồng Nguyên tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về Điều 10 của dự thảo Nghị quyết. Điều 10 quy định “Chính phủ trình Hội đồng quốc phòng và an ninh quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc căn cứ ý kiến của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh ban hành quyết định về việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc”.


Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Liên quan đến nội dung nêu trên của dự thảo nghị quyết, Điều 89, khoản 5 Điều 88 Hiến pháp năm 2013 quy định Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Hội đồng Quốc phòng và An ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Theo các quy định này thì thẩm quyền quyết định lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ hòa bình trên thế giới là của tập thể Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh sẽ ký quyết định với tư cách là đại diện, thay mặt cho Hội đồng. Vì vậy, để tránh gây ra cách hiểu khác nhau trong việc thực hiện. Đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị quy định rõ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ký thay mặt Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời khoản 2 điều này cần chỉnh lý lại cho chính xác là trên cơ sở quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh được quy định tại khoản 1 thì Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh sẽ ban hành quyết định về việc cử, điều chỉnh rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Thứ hai, đối với quy định tại Điều 11 và Điều 12 của dự thảo nghị quyết quy định theo hướng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Chính phủ xem xét, trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh xin chủ trương về việc cử mới, điều chỉnh rút lực lượng, kế hoạch cử lực lượng luân phiên thay thế. Căn cứ ý kiến của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Chính phủ xem xét trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định về việc cử mới, điều chỉnh rút lực lượng và quyết định về việc cử lực lượng luân phiên thay thế. Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên, quy định này chưa bám sát đúng với quy trình văn bản nên đề nghị không tách bạch thành 2 quy trình như quy định tại Điều 11 và Điều 12 của dự thảo nghị quyết. Nội dung quy định tại 2 điều này cần thiết kế lại thành một điều và quy định rõ ràng, rành mạch quy trình thực hiện tại Chính phủ và quy trình Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Đồng thời, sửa lại khoản 2 các Điều 11 và Điều 12 theo hướng sau khi có ý kiến về chủ trương của Hội đồng Quốc phòng và An ninh được quy định tại khoản 1 thì Chính phủ trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định mà Chính phủ không cần xem xét như quy định của dự thảo trước.

Thứ ba, quy định tại Điều 15 và Điều 16 của dự thảo nghị quyết. Đại biểu Trần Hồng Nguyên nhận thấy quy định tại 2 điều này có sự trùng lặp giữa nội dung quản lý nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, của bộ, ngành Trung ương. Do đó, để bảo đảm hợp lý, logic, bao quát hơn, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị thiết kế lại 2 điều này như sau: Điều 15 quy định về nội dung quản lý nhà nước, trong đó sẽ giữ lại quy định tại khoản 2 Điều 15 của dự thảo nghị quyết và Điều 16 sẽ quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước, trong đó sẽ quy định cụ thể thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác.

Thứ tư, về giải thích từ ngữ được quy định tại khoản 6 Điều 3 có quy định là cử luân phiên thay thế là việc cử lực lượng khác thay thế lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc theo nhiệm kỳ. Đại biểu Trần Hồng Nguyên nhận thấy nội dung giải thích này chỉ phù hợp đối với trường hợp cử luân phiên, tức là căn cứ theo nhiệm kỳ mà không phù hợp với trường hợp cử thay thế. Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ “cử thay thế”.

Thứ năm, về hiệu lực thi hành, dự thảo trình Quốc hội chưa có quy định về hiệu lực thi hành của nghị quyết, đề nghị bổ sung hiệu lực thi hành của nghị quyết, trong đó cũng phải bảo đảm phù hợp với khoản 1 Điều 151 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tức là thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày được thông qua./.

Bích Lan