ĐBQH DƯƠNG XUÂN HÒA: CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT CÓ NGUỒN GỐC TỪ CÁC NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

28/01/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Xuân Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã đóng góp một số ý kiến về công tác quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông – lâm trường quốc doanh và tiến độ giải ngân đầu tư công.

Đại biểu Dương Xuân Hòa cho biết, trong Báo cáo số 530 của Chính phủ có nêu: “Phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc hợp tác nông - lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118 năm 2014 Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân”. Đại biểu đánh giá, đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tế liên quan đến nội dung này.

Tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 112. Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết đã từng bước tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định tình hình quản lý sử dụng đất đai, bảo đảm an ninh trật tự phát triển bền vững.

Đại biểu Dương Xuân Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 9/2019 đã tiến hành rà soát 275 công ty, trong đó giữ lại 246 công ty với diện tích đất giữ lại là 1.868.538 hecta, còn diện tích các nông lâm trường bàn giao về địa phương là 463.088 hecta, nâng tổng số diện tích bàn giao về địa phương là 1.084.653 hecta.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Xuân Hòa cho biết những công ty nông lâm nghiệp được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì sau khi sắp xếp phải chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Nhưng việc hoàn thiện lại hồ sơ, thủ tục thuê đất đòi hỏi nhiều thời gian. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận còn chậm làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất nông, lâm trường vẫn xảy ra chưa được giải quyết dứt điểm, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở cơ sở.

Hơn nữa, việc giải quyết nhu cầu đất ở, đất canh tác cho người dân ở địa phương mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do gắn với sắp xếp công ty nông lâm nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn, vì hầu hết đất các công ty nông lâm nghiệp đã khoán ổn định lâu dài theo Nghị định số 01 năm 1995, Nghị định số 135 năm 2005 nên diện tích đất chưa được bàn giao về cho địa phương còn nhiều.

Để quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đại biểu Dương Xuân Hòa đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung rà soát, kiểm tra cụ thể trên địa bàn từng xã để có phương án xử lý dứt điểm các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, làm rõ trách nhiệm của từng cấp trên địa bàn. Thực hiện nghiêm quy định việc bàn giao mốc giới, ranh giới sử dụng đất, lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với phần diện tích mà các nông, lâm trường đã bàn giao về cho địa phương quản lý, sử dụng và thực hiện giao cho các tổ chức, cá nhân thuê đất. Trong đó đặc biệt quan tâm đến hộ gia đình tại địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất nhằm khắc phục triệt để tình trạng tái lấn chiếm, tranh chấp đất đai.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Xuân Hòa nhấn mạnh, cùng với tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp thì việc điều tra, đánh giá lại chất lượng rừng cũng cần được quan tâm, vì đất lâm nghiệp trước đây được giao theo Nghị định 116 năm 1999 cho hộ gia đình hầu hết được giao theo hình thức kê khai không bàn giao mốc trên thực địa nên không xác định được ranh giới cụ thể. Chủ sử dụng đất không xác định được diện tích đất hình thể và diện tích thửa đất trên thực địa không khớp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, v.v. dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai vị trí, sai diện tích nên việc tranh chấp đất đai, sử dụng đất, sử dụng rừng còn kém hiệu quả. Việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, trách nhiệm và quyền hưởng lợi của các chủ rừng còn chưa cụ thể nên ở địa phương đôi khi còn lúng túng trong thực hiện, cùng với những khó khăn về kinh phí, nhân lực trong kiểm kê, đo đạc, phân giới cắm mốc đất rừng trên thực địa làm cơ sở cho việc giao rừng, cho thuê rừng. Mặt khác, do người dân nhận thức còn hạn chế, cùng với đời sống khó khăn nên việc chuyển nhượng lại đất rừng vẫn còn diễn ra.

Chính sách hỗ trợ trồng rừng, phát triển rừng còn có mặt bất cập. Đơn cử như theo Nghị quyết số 30a mức khoán là 200.000 đồng/ha/năm, còn theo Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ thì mức khoán là 300.000 đồng/ha/năm. Còn theo Nghị định số 75 năm 2015 là 400.000 đồng/ha/năm”, đại biểu Dương Xuân Hòa cho biết.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chỉ giao đất trống, chưa giao đất gắn với rừng do hạn chế về đo đạc địa chính, về định giá rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường và thiên tai diễn biến phức tạp như hiện nay, nhất là tình trạng thiên tai khốc liệt vừa diễn ra ở miền Trung vừa qua, do vậy vấn đề phát triển bền vững và yêu cầu hết sức cấp thiết.

Từ phân tích nêu trên, đại biểu Dương Xuân Hòa cho rằng cần phải thực hiện việc đo, chỉnh lý địa chính đất lâm nghiệp theo đúng quy hoạch 3 loại rừng để giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhất là đối với trường hợp thu hồi do cấp sai vị trí, sai đối tượng, sai diện tích. Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần điều tra, đánh giá lại chất lượng rừng làm cơ sở cho việc giao đất kết hợp với việc giao rừng cho xây dựng, tạo điều kiện cho người được giao khoán đất và rừng thực hiện quyền sử dụng đất, sử dụng, sở hữu rừng theo đúng quy định của pháp luật.

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Dương Xuân Hòa tán thành với Báo cáo số 534, cho thấy năm 2020 mặc dù nước ta chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng giá trị giải ngân 9 tháng đầu năm 2020 đạt 269.207 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2017, 2018, 2019 lần lượt là 164.509 tỷ đồng, 203.600 tỷ đồng và 192.136 tỷ đồng. Đại biểu đánh giá, đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những tháng cuối năm; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, góp phần duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế.  

Về nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Dương Xuân Hòa thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, như định giá đất, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, điều chuyển vốn, v.v.. Ở góc độ địa phương, đại biểu cho biết, nguồn lực đầu tư công tại một số địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu cho các dự án để thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt, dẫn tới phát sinh nợ giá trị khối lượng hoàn thành hoặc phải kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Một số nguồn thu không đạt dự toán nên không bảo đảm nguồn chi đầu tư công theo kế hoạch được giao. Một số dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu đến nay chưa được bố trí hết số vốn theo kế hoạch trung hạn. Một số dự án thuộc chương trình mục tiêu chưa được giao vốn 10% dự phòng ngân sách trung ương, v.v

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng có sự thay đổi, những văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, như Luật Đầu tư công, Nghị định số 68 năm 2019, v.v.. dẫn đến việc triển khai các dự án chuyển tiếp, khởi công mới còn có vướng mắc, lúng túng trong xử lý các thủ tục liên quan, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và những năm tiếp theo như mục tiêu đặt ra, bên cạnh những giải pháp như Báo cáo của Chính phủ đã nêu, đại biểu Dương Xuân Hòa đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.  

Hồ Hương