ĐBQH NGUYỄN VĂN KHÁNH NÊU QUAN ĐIỂM ĐỐI VỚI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

28/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Văn Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã nêu quan điểm về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Tại Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Văn Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nhất trí hoàn toàn với các lý do được nêu tại Tờ trình số 19 của Chính phủ đã trình bày về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Có thể đánh giá từ năm 2014 đến nay, lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã và đang thúc đẩy tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam ở các nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần nâng cao năng lực của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Mặt khác, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam cũng đem về cho ngân sách nhà nước 24,8 triệu USD. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình cho thấy, trong số 122 quốc gia đang cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình thì đa số quốc gia không ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng hoặc xây dựng khuôn khổ pháp lý riêng cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Họ cho rằng, việc ban hành văn bản hay xây dựng khuôn khổ pháp lý riêng là điều không cần thiết. 


Đại biểu Nguyễn Văn Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Một số quốc gia không ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng, mà các quy định liên quan đến việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nằm rải rác trong các văn bản khác nhau. Một số quốc gia đã ban hành văn bản pháp luật riêng quy định khuôn khổ pháp lý cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc như Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines. Đối với nước ta, căn cứ vào khoản 2 Điều 15, Điều 74 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc của Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình 1 kỳ họp, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, củng cố sự đồng thuận chính trị và sự ủng hộ xã hội đối với hoạt động này, đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên Hợp Quốc là gìn giữ hòa bình.

Để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, về nguyên tắc quy định tại Điều 4, đại biểu Nguyễn Văn Khánh đồng tình với ý kiến thẩm định của Ủy ban Quốc phòng và An ninh như quy định Hội đồng Quốc phòng và An ninh thành 1 khoản để thể hiện đúng vai trò, vị trí, quyền hạn của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, của Chủ tịch nước, Chính phủ. Đây là Nghị quyết cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc của Việt Nam ở nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Văn Khánh cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu 4 nguyên tắc được rút ra qua hơn 70 năm hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, như: Nguyên tắc hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cần đạt được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an dưới dạng thông qua một nghị quyết.

Nguyên tắc triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cần giành được sự nhất trí của các bên tham chiến, tức là không có sự áp đặt hay can thiệp vào công việc nội bộ của lực lượng Liên Hợp Quốc. Nguyên tắc trung lập, vô tư, sử dụng vũ lực chỉ để phòng vệ và là biện pháp cuối cùng, vì lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc không phải là một đạo quân can thiệp mà là lực lượng giúp các bên xung đột gìn giữ, xây dựng hòa bình. Nguyên tắc đóng góp lực lượng tự nguyện cả về con người, tài chính, phương tiện.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Khánh, bốn nguyên tắc trên sẽ chi phối trong suốt quá trình chuẩn bị tổ chức thực hiện và kết thúc nhiệm vụ hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam. Nếu không quy định những nguyên tắc trên vào nghị quyết thì chúng ta sẽ khó khăn trong việc thực hiện mục đích của lực lượng hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Về thẩm quyền cử mới, điều hành, rút lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, quy định tại Điều 7 về xây dựng lực lượng, theo đại biểu Nguyễn Văn Khánh, quy định như dự thảo là chưa xác định rõ thẩm quyền quyết định cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc của Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý Điều 7 theo hướng quy định chỉ có Hội đồng Quốc phòng và An ninh mới có thẩm quyền này. Đây là thể chế hóa Hiến pháp 2013, các cơ quan của Chính phủ tổ chức thực hiện theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Quy định như trên mới phù hợp với Điều 11 của Nghị quyết về quy trình cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Thứ tư, về chế độ, chính sách, quy định tại Điều 14. Dự thảo luật quy định lực lượng Việt Nam trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu Nguyễn Văn Khánh, cụm từ “theo quy định của pháp luật” còn rộng, bao gồm bao gồm cả Nghị định và Thông tư theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ này và giao cho Chính phủ quy định bằng một nghị định, để khi áp dụng sẽ thống nhất giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an khi có lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đồng thời tạo sự đồng thuận của các Bộ, ngành có liên quan.

Thứ năm, về xử lý vi phạm, khiếu nại, quy định tại Điều 6, đại biểu Nguyễn Văn Khánh đồng tình với quy định lực lượng Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc nếu có vi phạm pháp luật Việt Nam, luật sở tại và quy định của Liên Hợp Quốc trong thời gian tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Quy định như trên là đã áp dụng quyền ưu đãi, quyền miễn trừ theo Công ước về ưu đãi và miễn trừ của Liên Hợp Quốc năm 1946 và cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình hội nhập quốc tế, đại biểu Nguyễn Văn Khánh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định phía Việt Nam thông báo quy trình và kết quả xử lý cho Liên Hợp Quốc để phù hợp với thông lệ quốc tế và việc thực thi nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam trong xử lý sai phạm./.

Bích Lan