ĐBQH NGUYỄN MINH ĐỨC GÓP Ý VÀO DỰ THẢO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

29/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, góp ý về Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị quy định rõ hơn về người đại diện hợp pháp trong Dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Cho ý kiến về Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại khoản 17 Điều 12 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành có quy định về người đại diện hợp pháp bao gồm cha mẹ hoặc người giám hộ, luật sư, trợ giúp viên pháp lý. Với quy định này nhưng trong Dự thảo Luật sửa đổi có một số nội dung quy định lại làm thu hẹp khái niệm này. Điển hình như tại khoản 4 Điều 97 của Dự thảo Luật sửa đổi lại xuất hiện thuật ngữ "người đại diện của họ", tức là thiếu từ người đại diện hợp pháp. Theo cách hiểu này, mọi người để hiểu thêm một loại người nữa, trong trong số này và không thấy xuất hiện cụm từ của người giám hộ, người đại diện hợp pháp gồm luật sư và trợ giúp viên pháp lý. Vì vậy đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này.

Tại khoản 5b Điều 125 được bổ sung theo điểm a khoản 63 Điều 1 Dự thảo Luật có quy định trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm. Nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình người vi phạm, đại diện tổ chức hoặc đại diện chính quyền hoặc 1 người chứng kiến. Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Minh Đức, theo quy định này sẽ xảy ra 2 vấn đề: Một là, khi tiến hành tạm giữ phương tiện này nếu người ta vắng mặt thì tiến hành trước đại diện của người vi phạm, tức là đại diện gia đình người vi phạm và đại diện của tổ chức hoặc đại diện chính quyền hoặc một người chứng kiến khác. Theo quy định này nếu áp dụng trên thực tế không đảm bảo tính khả thi. Ví dụ, người vi phạm này họ vi phạm ở Cà Mau nhưng đại diện gia đình của họ tận ngoài Bắc, đợi đến bao giờ người đại diện gia đình của họ vào để đảm bảo việc lập biên bản, niêm phong phương tiện vi phạm và tang vật vi phạm này, thậm chí họ không có người thân, người nhà thì làm thế nào. Rõ ràng quy định này thiếu tính khả thi.

Vấn đề thứ hai, Dự thảo có thuật ngữ "đại diện gia đình người vi phạm", theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, trong tất cả các quy định của pháp luật, kể cả Luật Hình sự, Luật Hành chính hiện hành, Bộ luật Dân sự đều không có thuật ngữ này quy định trong luật về vấn đề ràng buộc. Có thể cơ quan xây dựng nội dung này nhằm mục tiêu đảm bảo các quyền về tài sản quy định trong Bộ luật Dân sự đối với những tang vật, phương tiện vi phạm mà người vi phạm hành chính có thể sử dụng của người trong gia đình hoặc người khác để đảm bảo quyền đó trong Hiến pháp, nhưng tính khả thi trên thực tế lại không đảm bảo. Theo quan điểm của đại biểu, không cần phải dùng từ người đại diện gia đình, vì đảm bảo tính nghiêm minh và tính ngăn chặn kịp thời vi phạm thì chỉ cần đại diện tổ chức hoặc đại diện chính quyền hoặc có người chứng kiến là được, nếu trong trường hợp họ vắng mặt.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng nêu thực tế, hiện nay có rất nhiều hành vi vi phạm hành chính đang tiếp diễn mà các hành vi vi phạm đó rất tinh vi và khó xác định. Ví dụ, vi phạm trên không gian mạng. Để thực hiện nguyên tắc vi xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm một cách kịp thời, nhanh chóng, rõ ràng trong Bộ luật Hình sự đã quy định tội phạm đã hoàn thành và tội phạm chưa hoàn thành, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay đang vướng ở chỗ là hành vi vi phạm hành chính đang tiếp diễn và hành vi đã hoàn thành rồi. Theo quan điểm của đại biểu cần phải bổ sung vào trong khái niệm về thuật ngữ để đảm bảo khi cơ quan xử lý vi phạm hành chính áp dụng những tình tiết tăng nặng đối với những hành vi đã vi phạm rồi hoặc đang diễn ra thì rõ ràng là xử lý sẽ dễ hơn.

Cho ý kiến về khoản 28 Điều 58 sửa đổi, tại đoạn 3 khoản 1 Điều 58 Dự thảo Luật quy định: trường hợp phải xác định giá trị tang vật, phương tiện giám định, kiểm định, xét nghiệm thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện giám định, kiểm định, xét nghiệm. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, việc lập biên bản vi phạm hành chính thì thường đi đôi với việc tạm giữ tang vật, phương tiện và như vậy khi lập biên bản vi phạm tang vật, phương tiện thì không xác định giá trị tang vật. Nếu quy định cụm từ này vào Dự thảo Luật thì tính khả thi sẽ không được đảm bảo, bởi có rất nhiều trường hợp nếu phải đợi kết quả giám định, như vi phạm ở vùng biên giới mà phải gửi mẫu tang vật đó về Hà Nội để giám định, thì trong thời hạn 3 ngày liệu có đảm bảo không và thời hạn 3 ngày đó làm thế nào để giữ người vi phạm đó để đợi khi có kết quả mới lập biên bản được. Để đảm bảo ngăn chặn kịp thời, nhanh chóng thì không cần thiết quy định phải có kết quả giám định, kiểm định, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán lại tính khả thi của quy định này.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng lưu ý, tại khoản 1 Điều 4 trong đó có quy định là căn cứ quy định của luật này, Chính phủ quy định chi tiết các nội dung, trong đó có các biểu mẫu xử lý vi phạm hành chính. Nội dung này hiện nay Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành ban hành hướng dẫn và đã đang được sử dụng, nếu ban hành thêm một bộ mẫu mới thì sẽ phức tạp và tốn nhiều chi phí, đề nghị nghiên cứu kỹ để có quy định phù hợp./.

Lan Hương

Các bài viết khác