ĐBQH MAI THỊ PHƯƠNG HOA: BỔ SUNG BIỆN PHÁP TẠM GIỮ HÀNH CHÍNH ĐỂ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY ĐỐI VỚI NGƯỜI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY

29/01/2021

Góp ý vào Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đề nghị bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung đã được chỉnh lý và tiếp thu như trong Báo cáo giải trình đã nêu. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 10, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đến giai đoạn này mới có điều kiện để so sánh giữa 2 dự án luật. Để hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu cho rằng về quy định cụ thể đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ngay trong Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính hay dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy. Về vấn đề này đại biểu nhất trí với ý kiến của Chính phủ, đó là đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được quy định ngay trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính với những lý do như đã nêu trong Báo cáo số 480 của Chính phủ.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tư cách là chế tài hành chính. Còn Luật Phòng, chống ma túy quy định về việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tư cách là biện pháp quản lý mà không phải là chế tài hành chính, đã là chế tài hành chính thì phải được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nghiên cứu Điều 37 của Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhận thấy các trường hợp thực chất là các đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc áp dụng đối với người nghiện ma túy còn rộng hơn các đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Những trường hợp rộng hơn này thì không được coi là biện pháp xử lý hành chính thì có thể được thực hiện theo quy trình, thủ tục của Luật Phòng, chống ma túy.

Bên cạnh đó, về kỹ thuật lập pháp, nếu đưa một người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tư cách là biện pháp xử lý hành chính thì việc quy định đối tượng, thủ tục, trình tự, thẩm quyền phải được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm tính minh bạch, tính đồng bộ, tính thống nhất với các biện pháp xử lý hành chính khác. Do đó, đại biểu đề nghị quy định luôn đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định ngay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà không đợi để quy định trong Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Liên quan đến nội dung bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 122, Dự thảo Luật bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và quy định thời hạn tạm giữ trong trường hợp này là không quá 5 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm và nơi tạm giữ là khu lưu giữ tạm thời tại cơ sở cai nghiện bắt buộc của cấp tỉnh hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính. Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định này, bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã bổ sung một chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có định nghĩa: "Người bị coi là người sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy. Việc sử dụng chất ma túy của người đó không được pháp luật cho phép và chưa xác định được tình trạng nghiện". Như vậy, điểm mấu chốt ở đây là họ chưa bị coi là người nghiện ma túy.

Thứ hai, tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại của công dân được Hiến pháp quy định và có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền cơ bản khác, do đó cần phải được quy định chặt chẽ và cân nhắc thận trọng.

Khoản 1, Điều 122 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định: "Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác". Việc bổ sung những trường hợp như là ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc là người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc thì rất phù hợp, nhưng áp dụng biện pháp này để xác định tình trạng nghiện đối với người sử dụng trái phép chất ma túy thì cần cân nhắc. Bởi vì, từ năm 2009, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999, Quốc hội đã bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, họ không bị coi là tội phạm, mà coi là người bệnh. Tất nhiên, họ có thể bị xử lý vi phạm hành chính vào trong những trường hợp nhất định, như có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Thứ ba, việc đưa họ vào nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy là không phù hợp với chính sách rất nhân văn của Nhà nước ta đã được đưa vào dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đó là cơ quan nhà nước chủ yếu quản lý những người sử dụng trái phép chất ma túy bằng các biện pháp như tư vấn, động viên, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy, để giúp họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và thường những biện pháp này được thực hiện tại nơi họ cư trú hoặc tại cơ sở y tế có thẩm quyền.

Thứ tư, cũng theo quy định của Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và những người này sẽ được cơ quan có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện theo phương pháp của ngành y tế mà không phải là bị áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính. Trên thực tế, để xác định tình trạng nghiện của một người thì có thể còn cần thời gian nhiều hơn 5 ngày. Vì vậy, việc này nên để cho ngành y tế thực hiện theo quy trình chuyên môn và tại địa điểm phù hợp với người sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, để bảo đảm thống nhất giữa 2 dự án luật và bảo đảm tính hợp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị không bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy./.

Lan Hương

Các bài viết khác