ĐBQH HOÀNG THỊ THU TRANG: XEM XÉT NÂNG MỨC TIỀN PHẠT CỦA CHẤP HÀNH VIÊN VÀ THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CẤP HUYỆN

29/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề nghị xem xét nâng mức tiền phạt của chấp hành viên và thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An góp ý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An góp ý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Theo đó, tại Điều 163 Luật Thi hành án dân sự 2008 và khoản 1 Điều 49 Luật sửa đổi Luật Thi hành án dân sự 2014 quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự gồm chấp hành viên, tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ án phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp Quân khu. Trong khi đó, tại Điều 49 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định ngoài các chức danh trên còn có thêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp cũng có quyền xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy là có sự chồng chéo giữa Luật Thi hành án dân sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính về người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Đề nghị Quốc hội xem xét quy định thống nhất Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hay không?

Về mức phạt tiền của chấp hành viên và thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, tại Điều 49 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chấp hành viên được phạt đến 500.000 đồng, thủ trưởng cấp huyện được phạt đến 2.500.000 đồng. Thực tiễn áp dụng quy định này có những khó khăn, vướng mắc như sau: Về số lượng án, cơ quan thi hành án dân sự các cấp thụ lý hằng năm ngày càng tăng, mà theo Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hình sự thì tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện kéo theo đó thì số lượng vụ việc do cơ quan thi hành án dân sự cấp quyền thi hành ngày càng lớn. Ở cấp tỉnh chỉ thi hành các vụ việc lớn mà thôi. Mặt khác đa số những người phải thi hành án thì thường là chống đối, chây ì, cho nên số việc phải xử phạt vi phạm hành chính cũng ngày càng nhiều. Việc hạn chế mức tiền phạt đối với chấp hành viên và thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện buộc phải chuyển các vụ việc xử phạt vi phạm hành chính lên cấp tỉnh, làm cho quá trình thi hành án dân sự phức tạp và chậm trễ hơn. Mặt khác, trong tương quan về trách nhiệm quyền hạn của chấp hành viên và thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện, khi tổ chức thi hành án thì việc hạn chế mức tiền phạt từ 500 đến 2,5 triệu là không tương xứng và không còn phù hợp. Vì vậy, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề nghị Quốc hội xem xét nâng mức tiền phạt của chấp hành viên và thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án dân sự ở cấp này.

Vấn đề thứ hai, tại điểm b khoản 1 Điều 28 và Điều 30 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: "Cá nhân, tổ chức phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép, nếu không tự nguyện thì bị cưỡng chế". Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, tại Điều 118 của Luật Xây dựng lại quy định: "Đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép hoặc xây dựng sai so với giấy phép thì phá dỡ". Như vậy, đối với công trình xây dựng không có giấy phép hoặc là xây dựng không đúng giấy phép thì Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Xây dựng quy định biện pháp xử lý có khác nhau, một bên là "tháo dỡ", còn một bên là "phá dỡ". Tuy chỉ khác nhau hai từ "tháo" và "phá" thôi, nhưng hai hành vi này hậu quả sẽ khác nhau và mức độ thiệt hại của công trình cũng không giống nhau. Chúng ta có thể hiểu, tháo dỡ là tháo rời, lấy ra lần lượt từng bộ phận, còn phá dỡ là phá hủy và không thể sử dụng được các bộ phận sau khi phá. Thực tiễn chứng minh có nhiều vụ việc sự khác nhau này đã là cớ để cho các cơ quan công quyền lạm quyền và cũng có thể là cớ để cho tổ chức, cá nhân khiếu nại, khiếu kiện, trây ì, trốn tránh nghĩa vụ trong xử lý vi phạm hành chính. Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tránh sự lạm quyền của cơ quan công quyền và đồng thời cũng đảm bảo được hành lang pháp lý, tính nghiêm minh pháp luật cho các cơ quan công quyền khi thi hành nhiệm vụ, đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất giữa 2 Luật Xây dựng và Luật Xử lý vi phạm hành chính và cũng để đảm bảo phù hợp với thực tiễn./.

Lan Hương

Các bài viết khác