ĐBQH PHẠM THỊ MINH HIỀN: ĐỀ NGHỊ CÓ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THAY THẾ BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

29/01/2021

Góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị có quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế biên bản vi phạm hành chính không còn giá trị chứng minh.

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, ngoài những quy định đã được bổ sung, chỉnh lý phù hợp trong Dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, còn vài điều khoản của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2012) đã phát sinh nhiều vướng mắc nhưng chưa được điều chỉnh. Đặc biệt, đây là một đạo luật có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân cần được nghiên cứu, xem xét nhằm hoàn thiện đạo luật. Cụ thể:

Điều 8 Luật năm 2012 quy định cách tính thời gian, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Luật Dân sự, trừ trường hợp trong luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc. Thời gian ban đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định. Trong khi đó, một số quy định về thời hạn như việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hoặc thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày kể từ ngày tạm giữ thì ngày lập biên bản, ngày tạm giữ có được tính vào thời hạn hay không? Vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị Dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể về thời gian, thời hạn, thời hiệu để khi thực hiện cơ quan có thẩm quyền không bị vi phạm.

Ở khoản 2 Điều 9 Luật năm 2012 quy định: "Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo thành thật, hối lỗi, tích cực giúp đỡ các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính". Tuy nhiên, hiện tại có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định tự nguyện khai báo, có trường hợp áp dụng tình tiết tự nguyện khai báo sau khi bị phát hiện, có trường hợp không áp dụng. Các cơ quan thi hành pháp luật cho rằng, nếu tự nguyện khai báo trước khi bị phát hiện, bị tố cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là phù hợp. Việc áp dụng quy định sau khi bị phát hiện sẽ không thỏa đáng, bởi nó không phản ánh đúng tính chất, mức độ của việc tự nguyện. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ “đã tự nguyện khai báo trước khi bị phát hiện, bị tố cáo” trong quy định này.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên.

Về giao quyền xử phạt tại Điều 54, có ý kiến cho rằng ngoài giao quyền xử phạt, việc giao quyền còn được thực hiện trong một số quy định khác như giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính ở khoản 2 Điều 123, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính ở khoản 2 Điều 87. Đại biểu nhấn mạnh, quy định việc giao quyền phải thực hiện bằng văn bản, tuy nhiên Điều 54 chỉ quy định giao quyền xử phạt, không quy định giao quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt hành chính, cưỡng chế, do đó trong cùng một vụ việc có thể làm phát sinh nhiều văn bản giao quyền. Để đảm bảo tính thống nhất về thẩm quyền, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tên gọi và nội hàm của Điều 54 là giao quyền xử phạt, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính.

Góp ý về khoản 28 Điều 1 Dự thảo luật sửa đổi khoản 5 Điều 58 quy định về lập biên bản vi phạm hành chính, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, quy định trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung nêu tại các khoản 2 và 3 điều này là chưa phù hợp, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung, hình thức của hành vi vi phạm hành chính, dẫn đến biên bản vi phạm hành chính đó không còn giá trị chứng minh. Theo đại biểu, cần phải xác định rằng biên bản xác minh tình tiết của vụ việc không có giá trị thay thế, sửa đổi, bổ sung biên bản vi phạm hành chính. Biên bản vi phạm hành chính là văn bản hành chính, trường hợp có sai sót có thể bị khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật, mặc dù có thể được bổ sung bằng các biên bản xác minh tình tiết của vụ việc. Để giải quyết vấn đề này, cần phải có quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế biên bản vi phạm hành chính ngay trong điều khoản này.

Tại khoản 29 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, khoản 2 Điều 61 quy định việc giải trình bằng văn bản cho các cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn thêm không quá 5 ngày. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Minh Hiền cho biết, trên thực tế, có nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức gửi văn bản giải trình qua dịch vụ bưu chính, dấu của dịch vụ bưu chính thể hiện trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng khi cơ quan, người có thẩm quyền nhận được văn bản giải trình thì đã quá 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Lúc này, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không thể xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm và tình huống này cũng không thuộc vụ việc có tình tiết phức tạp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần phải quy định cụ thể về thời hạn giải trình và xem xét giải trình bằng văn bản cho phù hợp, để không ảnh hưởng đến quyền giải trình của cá nhân, tổ chức.

Ngoài ra, Luật cần có quy định cụ thể như thế nào là trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng để làm căn cứ xác định thời hạn tạm giữ, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính./.

Lan Hương

Các bài viết khác