ĐBQH BÙI THỊ THỦY: QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN CÁC NGUYÊN TẮC XÁC LẬP THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

01/02/2021

Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Bùi Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc xác lập thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Về chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu Bùi Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua nghiên cứu dự thảo luật cho thấy Dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Dự thảo luật đã quy định 52 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, so với luật hiện hành đã bổ sung 10 chức danh, bỏ 5 chức danh và sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số chức danh khác. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nước ta đang trong giai đoạn thực hiện tinh giản biên chế, tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của các cơ quan nhà nước, dự thảo luật quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh nhưng chưa dự liệu trường hợp trong tương lai có thể không còn một số chức danh có thẩm quyền xử phạt hay có thêm chức danh cần được quy định thẩm quyền xử phạt. Do đó, bên cạnh việc quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt để tránh các quy định có thể sớm bị lạc hậu, dự thảo luật nên quy định cụ thể hơn các nguyên tắc xác lập thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Hiện nay khoản 26, Điều 53 sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật có quy định trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt vi phạm của chức danh đó do Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, sẽ có những chức danh được luật quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, có những chức danh lại do văn bản dưới luật quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính sẽ khó tạo ra sự đồng bộ trong quá trình áp dụng. Hơn nữa, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thay đổi thẩm quyền theo thủ tục nào? Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung trên của Dự thảo Luật.

Đại biểu Bùi Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc xác lập thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Về biên bản vi phạm hành chính và giải trình khoản 28, 29 Điều 1 Dự thảo Luật về quyết định lập biên bản vi phạm hành chính, đại biểu cho rằng quy định này còn trùng nhau và chưa rõ ràng. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 58 quy định biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính một bản. Tuy nhiên, tại khoản 3 quy định trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính thì biên bản phải có chữ ký của đại diện cơ sở, nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất của một người chứng kiến. Vậy, trường hợp này giao biên bản vi phạm hành chính cho đối tượng nào, luật chưa quy định rõ. Do đó, đại biểu Bùi Thị Thủy đề nghị rà soát lại quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính. Nếu đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì luật chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc về việc lập biên bản vi phạm hành chính.

Đối với quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm, dự thảo luật quy định tương đối cụ thể về 2 trường hợp giải trình, bao gồm giải trình bằng văn bản hoặc giải trình trực tiếp. Tuy nhiên, không quy định về kết quả của giải trình phục vụ như thế nào đối với việc xử lý vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm như thế nào đối với việc kết luận sau khi nghe giải trình. Tôi đề nghị quy định cụ thể vấn đề này trong luật.

Về bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước là biện pháp cưỡng chế như nhiều ý kiến của đại biểu đã phát biểu trước tôi, đại biểu Bùi Thị Thủy cho rằng chỉ nên áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước khi điện, nước là công cụ vi phạm hành chính. Tuy nhiên, cung cấp dịch vụ điện, nước lại là quan hệ dân sự. Nếu bên vi phạm đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp mà trong hợp đồng đó không quy định người được cung cấp dịch vụ đó phải tuân thủ và phải đáp ứng các quyền lợi hay nghĩa vụ đối với xã hội, chúng ta lại áp dụng biện pháp cưỡng chế thì vô hình dung đã vi phạm Bộ luật Dân sự. Theo quan điểm của đại biểu cần sửa đổi để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa không xung đột luật pháp về vấn đề này. Ngoài ra, dù đây là luật sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật đại biểu cho biết có tới 10 khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát lại các điều khoản này, nếu quy định cụ thể được thì đề nghị quy định ngay ở trong Dự thảo Luật./.

Lan Hương

Các bài viết khác