Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy đồng ý việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật, bao gồm cả tội phạm về ma túy và tệ nạn về ma túy là cần thiết. Đại biểu phân tích, tội phạm về ma túy là nguyên nhân thúc đẩy tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều loại tội phạm khác, ảnh hưởng đến an toàn, trật tự công cộng, an ninh quốc gia. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả thì hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy phải được thực hiện đồng bộ và song song, không thể tách rời nhau.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Theo đại biểu Trịnh Ngọc Thúy, việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy là công việc hết sức khó khăn, phức tạp. Mặc dù, trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, các cấp, các ngành đã ra sức đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, nhưng đến nay vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Ngược lại, tệ nạn ma túy ngày càng phát triển, tội phạm về ma túy ngày càng tăng, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, khối lượng ma túy mua bán ngày càng lớn, hậu quả gây ra cho xã hội ngày càng nguy hiểm. Để phòng, chống tội phạm về ma túy có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Do vậy theo đại biểu Trịnh Ngọc Thúy, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy xác định phạm vi điều chỉnh bao gồm cả tội phạm về ma túy là phù hợp.
Mặt khác, mặc dù phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 không quy định phạm vi có bao hàm chống tội phạm về ma túy, nhưng trong phần nội dung của luật đã có quy định liên quan đến việc phòng, chống tội phạm về ma túy. Cụ thể Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành. Như vậy, khi Chính phủ ban hành danh mục chất ma túy là Chính phủ đã tham gia vào việc phòng, chống tội phạm về ma túy. Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào danh mục này để khởi tố, truy tố, xét xử các tội phạm về ma túy.
Điều 38 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định Bộ Công an phải có trách nhiệm trong việc phòng, chống tội phạm ma túy như sau: “Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược chủ trương, chính sách, kế hoạch phòng, chống tội phạm về ma túy; ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý chất ma túy và tiền chất phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Tổ chức thực hiện điều tra các tội phạm về ma túy, hướng dẫn các cơ quan khác tiến hành điều tra ban đầu các tội phạm này theo quy định của pháp luật”. Như vậy, việc xác định phạm vi điều chỉnh bao gồm có cả tội phạm về ma túy, v.v. bảo đảm hoàn thiện tính thống nhất của Luật Phòng, chống ma túy đã ban hành.
Tại Điều 4 của dự thảo Luật về những hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy cho rằng Luật đã đưa ra nhiều điểm mới vào điều này, tuy nhiên, tại khoản 10 lại quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy, sử dụng chất ma túy, quảng cáo tiếp thị chất ma túy trên không gian mạng. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ gây hạn chế hiệu lực của dự án Luật vì chỉ những hành vi hướng dẫn trên không gian mạng mới được xem là vi phạm, còn thực hiện ở không gian khác sẽ không xem là vi phạm. Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy cho rằng, luật cần khẳng định rõ như thế nào là bị cấm chứ không nên hạn chế về mặt không gian và thời gian. Vì như vậy, sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng các luật khác có liên quan, sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả của việc phòng, chống ma túy. Vì vậy, đại biểu đề nghị luật cần bỏ cụm từ "trên không gian mạng", nếu cần nhấn mạnh thì sửa lại như sau: "Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy, sử dụng chất ma túy, quảng cáo, tiếp thị chất ma túy dưới mọi hình thức".
Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy đồng ý việc giao thẩm quyền cho Tòa án xem xét áp dụng việc cai nghiện ma túy đối với người đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Đại biểu chỉ rõ, theo quy định của pháp luật hiện hành, hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đưa vào trường giáo dưỡng và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Điều 92 và Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, trong quá trình xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó có các tội phạm về ma túy, Tòa án có quyền áp dụng biện pháp tư pháp, giáo dục tại trường giáo dưỡng, xem xét áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục, khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Do vậy theo đại biểu, việc giao cho Tòa án thêm thẩm quyền xem xét, áp dụng cai nghiện đối với người đủ 12 đến 18 tuổi sẽ thuận lợi, đó là thống nhất trong đường lối xử lý, đảm bảo tính chính xác trong việc thống kê tội phạm về ma túy, số người nghiện ma túy để có giải pháp phòng, chống thích hợp và mang lại hiệu quả cao.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc xử lý cai nghiện ma túy đối với người từ đủ 12 đến 18 tuổi trực tiếp liên quan đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do vậy, yêu cầu đặt ra việc xử lý phải thận trọng, chính xác, đúng pháp luật, hạn chế tối đa việc xử lý sai. Để có thể đáp ứng được yêu cầu vừa nêu đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác xử lý phải thật sự là những người am hiểu pháp luật.
Với các lý do nêu trên, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy cho rằng việc giao cho Tòa án xử lý cai nghiện đối với người từ đủ 12 đến 18 tuổi là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án được hiến định, các thẩm phán đã có nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người cai nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên. Đây cũng là yếu tố thuận lợi khi xem xét xử lý cai nghiện đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi và thống nhất thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy lưu ý, theo báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, hiện nay Tòa án các cấp còn thiếu 1.735 biên chế. Do vậy, việc giao cho Tòa án thêm thẩm quyền xét xử cai nghiện, thẩm quyền xử lý cai nghiện đối với người từ đủ 12 đến 18 tuổi dẫn đến việc quá tải trong công việc. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những quy định cụ thể để tạo điều kiện cho Tòa án có thể làm tốt nhiệm vụ của mình.
Cuối cùng, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy cho rằng việc lập hồ sơ đưa người cai nghiện ma túy từ 12 đến 18 tuổi cũng cần được quy định bằng văn bản luật cho đồng bộ. Vì Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ việc lập hồ sơ đưa người từ đủ 18 tuổi đi cai nghiện.