Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đánh giá, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, để kịp thời ứng phó với những diễn biến khó lường của tệ nạn ma túy trong bối cảnh tình hình ma túy thế giới, khu vực và Việt Nam hiện nay, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, quản lý chặt chẽ các loại chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, công tác quản lý sau cai nghiện là hết sức quan trọng và cấp thiết. Bởi lẽ, đây là điều sẽ tiềm ẩn rất lớn của tội phạm.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nhận định, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ở Việt Nam có diễn biến rất phức tạp. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy từ năm 2009 đến năm 2018 trên phạm vi cả nước, có tổng số 365.293 người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong số này có 56.122 trường hợp vi phạm pháp luật, phạm tội, 5.337 trường hợp gây bất ổn về tình hình trật tự, an ninh xã hội, 27.655 người đã từng sử dụng chất ma túy đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam và nhà tạm giữ. Đã có nhiều trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra tình hình mất an ninh, trật tự xã hội, nhiều vụ án gây hoang mang trong dư luận.
Theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, dự thảo luật đã có bước đột phá khi quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số điểm về nội dung quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý trong đó quy định xác định tình trạng nghiện. “Trên thực tế để xác định tình trạng nghiện đòi hỏi phải theo dõi người sử dụng chất ma tuý thường xuyên, liên tục trong thời gian nhất định”, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nói, đồng thời cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về biện pháp xác định tình trạng nghiện, chẳng hạn như, có cần làm rõ có phải tạm giữ người sử dụng ma túy để xác định tình trạng nghiện hay không? Việc xác định tình trạng nghiện có thể do cơ sở cai nghiện tư nhân thực hiện được hay không?
Đại biểu cho biết, theo quy định của dự thảo luật, cơ sở cai nghiện ma túy công lập có khu lưu trú tạm thời đối với người xác định tình trạng nghiện ma túy quy định tại khoản 2 Điều 33, tuy nhiên, đối với cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân thì không quy định bố trí khu vực này.
Ngoài ra, khoản 5 Điều 29 quy định tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện ma túy được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Theo Điều 16 của Luật Đầu tư năm 2020: Hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện ma túy không thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư. Do đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung chính sách ưu đãi quy định tại dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi và tránh mâu thuẫn với pháp luật có liên quan.
Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng, gia đình quy định tại Điều 35, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đánh giá, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng là một hình thức cai nghiện mang tính nhân văn, bởi người nghiện không bị tách rời khỏi gia đình, xã hội, giúp họ không bị mặc cảm, dễ dàng hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện. Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy, từ năm 2014, số người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng giảm mạnh, chỉ còn 5.687 lượt người, tương đương 58% năm 2013 và đến năm 2018 chỉ còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người. Do vậy, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng cần xác định những bất cập hiện nay trong hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng để sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định mới cho phù hợp.
Đối với việc đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, dự thảo Luật quy định người nghiện ma túy thực hiện đăng ký khoản 1 Điều 35. Tuy nhiên, cần cân nhắc trong thực tế những người nghiện thường khó có ý thức tự cai nghiện. Do đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị bổ sung vai trò của gia đình người nghiện ma túy trong việc đăng ký cai nghiện tự nguyện cho người thân của mình.
Đối với các cơ quan cung cấp dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng cần quy định cụ thể về điều kiện, cơ sở vật chất, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan này cũng như điều kiện đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực có người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng.
Đối với thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, dự thảo luật có quy định về thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy ít nhất là 6 tháng, khoản 2 Điều 36, nhưng đối với trường hợp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thì không quy định thời hạn tối thiểu mà thực hiện theo thỏa thuận giữa người cai nghiện ma túy và cơ quan cung cấp dịch vụ. Do đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để đảm bảo tính thống nhất, quy định giữa hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy.
Nội dung cuối cùng, về cai nghiện ma túy cho người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên của các cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng quy định tại Điều 41. Theo đại biểu, dự thảo luật chưa quy định rõ phương pháp, hình thức cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy trong các trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dưỡng bắt buộc, trường giáo dưỡng.
“Cơ quan quản lý các cơ sở này sẽ tự tổ chức cai nghiện ma túy hay sử dụng dịch vụ từ các cơ sở cai nghiện ma túy? Việc quản lý các đối tượng này trong quá trình cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy sẽ được thực hiện như thế nào?”, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu câu hỏi.
Đồng thời, ở Điều 42 của dự thảo luật cũng quy định về việc chấp hành hình phạt tù khi đang cai nghiện ma túy bắt buộc. Do đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị cần có quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý phạm nhân và cơ sở cai nghiện ma túy, để đảm bảo được mục tiêu kép về cai nghiện ma túy và thi hành án.