ĐBQH NGUYỄN THỊ LỆ THỦY ĐỀ NGHỊ CHÚ TRỌNG NỘI DUNG PHÒNG NGỪA MA TÚY

17/02/2021

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu quan điểm, tên luật là Luật Phòng, chống ma túy, nhưng dự thảo luật không có chương nào về phòng ngừa ma túy, mà luật chỉ tập trung phần ngọn mà chưa giải quyết được phần gốc.

Tôi đề nghị bổ sung một chương về phòng ngừa ma túy, chương này quy định về nội dung, giải pháp, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong phòng ngừa đối với người chưa sử dụng, người đã sử dụng và tái sử dụng người, nhóm đối tượng nhạy cảm và theo lứa tuổi. Phòng ngừa đối với các hoạt động hợp pháp về ma túy và cuối cùng mới là phòng ngừa tội phạm về ma túy”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, hiện không có cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy mà chỉ có cơ quan chuyên trách về phòng, chống tội phạm về ma túy. Trong khi thực tế, chỉ có 20% số người nghiện có hồ sơ quản lý được cai nghiện bắt buộc và tỷ lệ rất nhỏ cai nghiện tự nguyện, có tới 24% người nghiện vi phạm pháp luật, 50% người nghiện có vấn đề về sức khỏe tâm thần và số người nghiện dưới 18 tuổi đang bị bỏ ngỏ.

Còn số lượng lớn người nghiện chưa được quản lý hồ sơ đang là quả bom nổ chậm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trong cộng đồng”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nhận định, đồng thời đề nghị bổ sung cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy chứ không giới hạn ở phòng, chống tội phạm về ma túy.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng dự thảo luật thiếu chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư vào hoạt động phòng ngừa và điều trị nghiện, đồng thời chưa quy định những chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể, trong khi những bất cập về ngân sách không đảm bảo, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhân lực và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ thì chưa được khắc phục. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách này và một số chính sách khác tại Điều 5, đồng thời, rà soát, bổ sung vào pháp luật liên quan về thuế, về đất đai, về đầu tư tín dụng để chính sách có tính khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy chỉ rõ, các chương, điều thiếu nội hàm, thiếu chi tiết, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, nhất là nội dung có sự phối hợp giữa các cơ quan. Trong khi báo cáo tổng kết nêu rất nhiều vướng mắc, bất cập và hiệu quả phối hợp kém như dự thảo tại các Điều 10, khoản 2 Điều 11, Điều 13 đến Điều 17, khoản 5 Điều 24 và Điều 25. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bảo đảm tính chặt chẽ chi tiết nội hàm rõ ràng, phân công trách nhiệm cụ thể và quy định các nguyên tắc trong áp dụng pháp luật để dự thảo luật có tính khả thi hơn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, nhiều nội dung đã được quy định và thực hiện ổn định trong các nghị định có liên quan đến quyền con người, quyền công dân chưa được nâng lên và luật hóa trong dự thảo sửa đổi hoặc chưa được viện dẫn áp dụng pháp luật liên quan. Vì đây là những quy định liên quan đến sức khỏe, nhân phẩm, bảo mật thông tin cá nhân của công dân đã được Hiến pháp quy định và đảm bảo được nguyên tắc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị bổ sung thêm một điều quy định về nguyên tắc trong phòng, chống ma túy là khung định hướng cho các điều luật:

Thứ nhất, phòng, chống ma túy là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân và của toàn xã hội.

Thứ hai, phòng, chống ma túy là nhiệm vụ lâu dài và bền bỉ. Do đó, phòng ngừa ma túy là ưu tiên hàng đầu. “Chúng ta đầu tư một tỷ cho phòng ngừa sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ cho điều trị cai nghiện và giải quyết hậu quả từ nghiện”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nói.

Thứ ba, huy động các nguồn lực xã hội trong phòng, chống ma túy.

Thứ tư, bình đẳng trong phòng, chống ma túy, không phân biệt giữa nhà nước và tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Thứ năm, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Về các chính sách của nhà nước tại Điều 5, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị bổ sung 4 chính sách:

Thứ nhất, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động phòng, chống ma túy, nên quy định thống nhất với pháp luật có liên quan quy định chi tiết chính sách ưu đãi thuế, thuê đất, vay vốn đầu tư, đào tạo lao động để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phòng ngừa ma túy, dịch vụ điều trị cai nghiện tự nguyện, đào tạo nghề và tuyển dụng nghề sau cai nghiện nhằm thể chế hóa Chỉ thị 36 của Trung ương. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng đề nghị mạnh dạn chuyển giao dịch vụ công trong phòng ngừa ma túy như tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy mà tư nhân đang làm tốt để giảm bớt gánh nặng nhà nước.  

Thứ hai, nhà nước ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong phòng, chống ma túy.

Thứ ba, cần đa dạng hóa các hình thức cai nghiện ma túy để người nghiện được lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp và giải tỏa tâm lý của người nghiện, gia đình người nghiện khuyến khích cai nghiện tự nguyện.

Thứ tư, ưu tiên đào tạo và đãi ngộ xứng đáng đối với lực lượng tham gia phòng, chống ma túy. Chính sách này thay thế cho quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 5. Đồng thời, rà soát tất cả các đối tượng có liên quan đến phòng, chống ma túy, rà soát chính sách đãi ngộ để tránh trùng lặp nhằm thể chế hóa Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo cân đối ngân sách, công bằng và đúng đối tượng mới phát huy được hiệu quả của chính sách. Đồng thời, chuyển các nội dung của chính sách quy định rải rác ở các Điều 11 và Điều 29 vào điều này.

Hồ Hương