ĐBQH TRẦN THỊ THANH LAM BĂN KHOĂN VỀ HÌNH THỨC CAI NGHIỆN TỰ NGUYỆN TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG

17/02/2021

Tại buổi thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề nghị dự thảo luật cần có đánh giá tác động, phân tích rõ và có định hướng hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng để góp phần làm giảm tải việc tổ chức cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện.

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nêu ý kiến, đối với người nghiện ma túy lang thang, cơ nhỡ, không có nơi cư trú ổn định, trong thời gian chờ Tòa án ra quyết định cai nghiện bắt buộc thì cần có nơi tập trung để quản lý. Bởi vì, hiện nay số đối tượng thuộc diện này nhiều, một số tỉnh, thành phố lớn có điều kiện thì bố trí riêng một cơ sở, gọi là cơ sở xã hội để quản lý, đa số các tỉnh còn lại thì chức năng này được tạm thời giao cho cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện.

Nhưng trong các điều khoản của dự thảo luật, tôi chưa thấy có quy định về hoạt động của cơ sở xã hội”, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nói, đồng thời đề nghị điều khoản luật cần quy định rõ ràng để thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, dự thảo luật cần đơn giản hóa các quy định về hình thức áp dụng các biện pháp đưa đi cai nghiện; đề nghị chỉ cần phát hiện người có sử dụng trái phép chất ma túy, dù họ có nơi cư trú hay không có nơi cư trú thì tổ chức cai nghiện theo các hình thức phù hợp hoặc có giải pháp quản lý chặt chẽ, không để người nghiện ma túy, nhất là người nghiện ma túy đá như hiện nay, dễ gây ra tình trạng ảo giác, có hành vi nguy hiểm cho cộng đồng.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cũng bày tỏ băn khoăn về hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng. Dẫu biết rằng, đây là một trong những giải pháp cần thiết giúp người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội, không bị gián đoạn học tập và việc làm, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ cơ sở thực hiện công tác khám, sàng lọc, tư vấn, chăm sóc và điều trị, quản lý người nghiện; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phác đồ điều trị, cắt cơn, giải độc, kỹ năng tư vấn và nguồn lực còn thiếu, chưa phù hợp. Mặt khác, về quy trình tổ chức cai nghiện theo quy định của Bộ Y tế là qua 5 bước: bước 1 là giai đoạn tiếp nhận, phân loại, bước 2 là giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, bước 3 là giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi và nhân cách, bước 4 là giai đoạn lao động trị liệu và học nghề, bước 5 là giai đoạn phòng, chống tái nghiện và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho biết, trong thực tế, vì nhiều lý do, đa số các địa phương chỉ tổ chức được việc khám sàng lọc sức khỏe, cắt cơn giải độc cho người nghiện, có nơi tổ chức 10 ngày, có nơi 15 ngày, có nơi 20 ngày, sau đó giao về cho gia đình quản lý và giáo dục. Cho nên các phần việc còn lại của quy trình chưa hoặc không thể thực hiện.

Liệu có đủ thời gian cho 1 người đang cai nghiện ma túy hay không? Liệu gia đình có quản lý được họ trong thời gian này hay không?”, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nêu câu hỏi.

Trong thực tế, một người cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy theo từng trường hợp mà có quyết định từ 10 đến 24 tháng. Theo đánh giá, hiện nay có hơn 90% người sau cai nghiện đã tái nghiện. Vậy tổ chức hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, với cách làm như hiện nay liệu có hiệu quả không? Chưa kể việc cai nghiện tại cộng đồng là do hình thức tự nguyện, nên dù có cắt được cơn nghiện nhưng vì tiếp xúc, gặp gỡ với bạn bè, có thể là những người nghiện dẫn đến nguy cơ tái nghiện rất cao. Đại biểu Trần Thị Thanh Lam nhận định, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ gia đình, từ địa phương, động viên kịp thời của gia đình, sẽ tác động rất xấu đến người nghiện, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét có đánh giá tác động, phân tích rõ và có định hướng hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ngay trong dự thảo luật, để khắc phục những hạn chế hiện nay, nâng cao hiệu quả cai nghiện tại cộng đồng, góp phần làm giảm tải việc tổ chức cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện.  

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng phòng ngừa là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện dự thảo luật lần này, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một chương về phòng ngừa ma túy đã nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân, gia đình, nhà trường trong công tác phòng ngừa, nhất là các nội dung về giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh ngay trong nhà trường, vì hiện nay người nghiện có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Đây là vấn đề đáng báo động của xã hội. Do đó, dự thảo luật cần nghiên cứu, thiết kế, bố trí các nội dung cho phù hợp, nhằm góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số người nghiện hàng năm. Riêng những người đã lỡ nghiện thì tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của họ, cho gia đình họ, cộng đồng không xa lánh, kỳ thị, tạo dựng niềm tin để người nghiện thoát khỏi ma túy.

Bên cạnh đó, tại điều khoản luật có giao cho các bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê số lượng người nghiện theo chức năng, nhiệm vụ, nhưng theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, chưa thấy một cơ quan nào được giao cập nhật chung về cơ sở dữ liệu. Do đó, đại biểu đề nghị quy định bổ sung nội dung giao cho Bộ Công an có trách nhiệm thống kê chung để đảm bảo tính thống nhất, tránh trùng lặp.

Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, vì có đánh giá, xác định đúng thực trạng tình hình người nghiện thì trong xây dựng chương trình, giải pháp mới xác thực và đảm bảo công tác đấu tranh phòng, chống ma túy được hiệu quả”, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nhận định.

Theo đại biểu, tại khoản 4 Điều 40 dự thảo luật có quy định cơ sở cai nghiện công lập có trách nhiệm đảm bảo quyền học văn hóa cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời hạn cai nghiện bắt buộc. Đại biểu đề nghị dự thảo luật bổ sung trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chương trình, quy định việc tổ chức giảng dạy cho học viên nghiện ma túy cho phù hợp. Đây là điểm mới so với luật hiện hành. Do đó, cần quy định cụ thể để các đơn vị thực hiện hiệu quả hơn.

Tại Điều 42 có nêu, người đang cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà phát hiện được hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu bị Tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành hình phạt thời gian còn lại trong quyết định.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam đánh giá, thực tế nội dung này đang gặp một số bất cập nhất định, đó là người nghiện thường lợi dụng quy định này để né tránh nhận quyết định cai nghiện bắt buộc. Cụ thể, trong quá trình chờ nhận quyết định cai nghiện bắt buộc của Tòa án có thể từ 12 đến 24 tháng, tùy theo trường hợp thì người nghiện cố tình có hành động vi phạm pháp luật, như đánh người, gây rối, trộm cắp để được phạt tù một vài tháng, hoặc đang trong thời gian chấp hành quyết định tại các cơ sở cai nghiện ma túy thì cố ý gây rối, đánh nhau, manh động, phá hoại tài sản để được phạt tù. Thời gian phạt tù thường ngắn hơn so với thời gian nhận quyết định cai nghiện bắt buộc. Do đó, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét quy định này cho phù hợp với phương án, vừa đảm bảo tính răn đe cho hành vi phạm tội, vừa đảm bảo người nghiện có đủ thời gian để điều trị nghiện phù hợp và khắc phục những bất cập hiện nay.  

Hồ Hương