ĐBQH PHẠM VĂN HÒA CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 120/NQ-CP

22/02/2021

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vai trò, trách nhiệm của Bộ trong việc tham mưu Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời rất kịp thời nhằm định hướng chiến lược cho phát triển của Đồng bằng Sông Cửu Long trước bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức và xu thế ngày càng gia tăng tác động của biến đổi khí hậu. Việc thực hiện Nghị quyết bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định, tạo bước chuyển mạnh mẽ cho sự phát triển của khu vực cũng như nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề nguồn lực bao gồm: nhân lực, kinh phí, cơ chế, ...để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vậy, cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu từ năm 2017. … Từ đó đến nay, Chính phủ cũng đã có một số động thái nhất định để triển khai Nghị quyết, bà con cử tri khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long rất phấn khởi và tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết. Từ khi triển khai Nghị quyết, khu vực đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì trong một số vấn đề vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì vậy,  tôi có chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vai trò, trách nhiệm của Bộ trong việc tham mưu cho Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả.

Phóng viên: Ngay sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có phần trả lời chất vấn. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trả lời rất cụ thể, rõ ràng. Bộ cũng đã có kế hoạch trình Chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn từ 2020 – 2025. Trước mắt, giai đoạn này đã thực hiện được tuyến đường cao tốc từ Trung Lương về Mỹ Thuận và cũng đã có động thái chuẩn bị tham gia tổ chức đấu thầu tuyến cao tốc từ Mỹ Thuận về Cần Thơ. Ngoài ra, ghi vốn đầu tư trung hạn một số tuyến đường biển nối liền giữa các tỉnh ven biển của Đồng bằng Sông Cửu Long với Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh để kết nối giữa tuyến biển với tuyến đường bộ cao tốc và nối liền với Tp. Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giao thông khu vực này được dễ dàng. Bởi vì, cả chục năm nay vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có 1 tuyến đường cao tốc duy nhất 40 km từ Tp. Hồ Chí Minh về Trung Lương mà thôi cho nên thường thứ 7, chủ nhật và đặc biệt là các ngày lễ, tết  tuyến từ miền Tây đi về Tp. HCM và ngược lại bị ắc tắc giao thông rất nghiêm trọng. Do đó, việc mở rộng đầu tư nâng cấp tuyến đường này là cực kỳ quan trọng và bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư cũng đã hứa trước nhân dân. Nghe tin bộ trưởng trả lời trực tiếp về nội dung này, người dân rất phấn khởi tin tưởng và đồng thời tôi cũng đã chất vấn lại với Bộ trưởng là mong bộ trưởng nhớ ghi và đôn đốc nhắc nhở tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu thì đâu là khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Nghị quyết số 120/NQ-CP đề ra được 3 năm và đạt được những kết quả nhất định: đầu tư cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; chi đầu tư cho Đồng bằng Sông Cửu Long 1.500 tỷ để chống xâm ngập mặn các tỉnh ven biển và chống sạt lở của các khu vực tỉnh Đồng Tháp, An Giang,… Ngoài ra,  Chính phủ cũng đã hỗ trợ cho các tỉnh ven biển có kế hoạch dự trữ hồ chứa nước ngọt để phục vụ cho tưới tiêu vùng và sản xuất trong mùa hạn. Đó là về lĩnh vực hạ tầng còn trên các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, nông nghiệp,… thì Chính phủ cũng đã chỉ đạo cho các bộ, ngành liên quan triển khai đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh với trong phát triển để tận dụng thế mạnh của từng địa phương.  Tuy nhiên, phải nói rằng, 3 năm nay thực hiện Nghị quyết sô 120 còn những vướng mắc, khó khăn. Trước mắt đó là vấn đề nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế; động thái các bộ ngành có vào cuộc nhưng vì có nhiều nguyên nhân nên các bộ ngành cũng chưa thực sự quyết liệt để tham mưu cho Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ được nêu ra trong Nghị quyết 120. Bên cạnh đó, Vấn đề sụt lún, sạt lở mặc dù  đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư khắc phục nhưng chưa đủ, vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp; Việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn chậm, một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống,…

Phóng viên: Vậy, đại biểu có kiến nghị gì nhằm thúc đẩy việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP được mục tiêu đề ra?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Để thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP đạt hiệu quả, kết quả thiết thực, theo tôi quan trọng là vấn đề nguồn lực trong đó cốt lõi là nhân tố con người. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải đặc biệt chủ trì chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành có liên quan đặc biệt là những người đứng đầu các bộ ngành. Qua đó, tùy theo sự phân công nhiệm vụ sẽ có kế hoạch riêng, chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể;… Mặt khác, các ngành cũng phải phối hợp nhịp nhàng, không đổ trách nhiệm mà thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao; không chỉ đầu tư công mà phải kêu gọi xã hội hóa; các địa phương cũng cần tạo điều kiện để thu hút đầu tư, trên cơ sở nhà nước và nhân dân cùng làm  với phương châm hiệu quả cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân,… Ngoài ra, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân để đưa những nội dung của Nghị quyết vào thực tiễn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh