ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA GÓP Ý CHO KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 2021-2026

23/02/2021

Thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng khi bàn về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho cho giai đoạn tới cần tính toán, giải quyết được bài toán tăng trưởng bền vững và tự chủ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh

Thảo luận tại Tổ, góp ý về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm tới, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng giai đoạn tới phải tính như thế nào để nó là một bước hiệu quả, một bước tiến góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của 2030-2045, nếu cứ loay hoay sẽ mất thời gian, mất cơ hội, mất thời cơ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ lo lắng khi chưa cảm nhận được sự bình thường mới của thế giới. Trường hợp tiếp tục sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nhưng các nước đình đốn, không mua thì làm sao. Chúng ta phát triển du lịch, cảnh đẹp nhưng người ta không vào được thì giải quyết như thế nào. Đại biểu cho rằng phải có đổi mới tư duy, cải cách, có tầm nhìn.Về nhận thức, phải hết sức trung thực, không tự huyễn hoặc nhau và phải sáng tạo và thông minh trong đường lối và chính sách. Qua kiểm điểm 5 năm thực hiện cho thấy chuyển biến về hạ tầng, chuyển biến về thể chế và nguồn nhân lực còn nhiều vấn đề tồn tại. Trong khi 3 yếu tố này là khung, sườn, nền móng của mỗi quốc gia. Nhờ có Covid nước ta lọt vào nước ASEAN 4 về quy mô nhưng các yếu tố này chúng ta chưa vươn lên tầm.

Để chuẩn bị cho giai đoạn tới, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị đầu tiên là bài toán tăng trưởng bền vững và tự chủ. Theo đó, về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong điều kiện bình thường mới thì chuyển dịch như thế nào; đồng thời tính lại xem nên thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực gì. Về du lịch, bài toán tăng trưởng phải tính lại theo hướng gắn kết và khai thác các quốc gia có thuận lợi về quan hệ nhà nước như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Úc, Ấn Độ cả về xuất khẩu, cả về du lịch cả về công nghệ.

Hai là bài toán ngân sách. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, hiện nay đang bội chi, giảm thu, nợ công, nợ nước ngoài, nợ xấu. Vấn đề tỷ giá và vấn đề an sinh xã hội, thiên tai, Covid dẫn tới gánh nặng về an sinh xã hội. Do đó vấn đề ngân sách phải hết sức khoa học và chi tiết trong các giải pháp 5 năm tới.

Đại biểu nhấn mạnh, nói về tăng trưởng bền vững và tự chủ thì nội lực phải mạnh, trong đó có nông nghiệp và công nghiệp chế biến, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế tri thức. Cùng với đó vấn đề bất động sản trong vòng 5-10 năm tới phải xem lại bao nhiêu là nợ, bao nhiêu là tài sản và thị trường đầu ra có được bao nhiêu, xây lên nhiều mà để đó thì sẽ tác động vào ngân sách và các vấn đề khác.

Ba là bài toán về an ninh, quốc phòng. Đại biểu lưu ý mọi chính sách đều phải lưu ý tới an ninh truyền thống và phi truyền thống. Covid vừa rồi cho thấy an ninh phi truyền thống tác động, tác hại còn hơn truyền thống. Cho nên cần suy nghĩ cái vấn đề này, nhất là miễn visa, khu tự do thì phải tính lại hay các vấn đề an ninh phi truyền thống đặt ra liên tục, xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép v.v. Do đó đại biểu bày tỏ tán thành với định hướng về lực lượng vũ trang tinh nhuệ. Bên cạnh đó hướng phát triển sắp tới của lực lượng vũ trang để làm tốt nhiệm vụ nên đi trình độ cao, kỹ năng cao, công nghệ cao, tinh thần đạo đức cao và hiệu quả cao. Đồng thời chú trọng làm tốt công tác quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân./.

Bảo Yến