ĐBQH NGUYỄN TUẤN ANH: QUAN TÂM ĐẾN CÁC CHỈ TIÊU MÔI TRƯỜNG

23/02/2021

Thảo luận tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đề nghị quan tâm đến các chỉ tiêu về môi trường nhất là tiêu chí về nước thải ở khu đô thị, khu dân cư và thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An bày tỏ quan tâm đến chỉ tiêu về môi trường được nêu trong dự thảo đánh giá kế hoạch thực hiện 2011- 2020 và 2021- 2030. Trong các dự thảo đều có nói 2 chỉ tiêu chủ yếu về hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp và tỷ lệ che phủ rừng đã thực hiện được khoảng 10 năm nay và tiếp tục sẽ thực hiện trong trong giai đoạn 2021 - 2025, 2025 - 2030. Đại biểu cho rằng tỷ lệ che phủ rừng thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khu công nghiệp, cụm công nghiệp mà có hệ thống xử lý nước thải tập trung này thì thực tế có cần thiết nữa đưa ra thêm 10 năm nữa không.

Đại biểu phân tích, theo Báo cáo của Chính phủ hiện nay cả nước có 251 khu công nghiệp trên 280 khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải, số còn lại còn khoảng 10%. Nhưng theo Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và theo Báo cáo của Chính phủ đều nói đối với khu công nghiệp còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải này đã được các doanh nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, tức là doanh nghiệp thứ cấp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn về môi trường, trước khi xả ra môi trường theo quy định. Cơ bản chỉ tiêu này mặc dù số lượng khu công nghiệp còn lại, chưa có hệ thống xử lý nước thải thì chưa hoàn thiện nhưng xử lý nước thải thì họ đã xử lý đạt quy chuẩn về môi trường. Có nghĩa rằng khi xả ra môi trường thì không ô nhiễm. Do đó, đại biểu cho rằng vấn đề này không cần thiết phải mất 5 năm nữa mà 1, 2 năm tới thì Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại 10% khu công nghiệp, khu nào là của tư nhân, khu nào là của Nhà nước để phân định ra. Sau đó theo quy định thì của Nhà nước sẽ dùng ngân sách đầu tư cho môi trường để hoàn thiện và số còn lại họ đã xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường khi xả ra ngoài môi trường thì để dành cho những chỉ tiêu khác.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm, qua thực tiễn tiếp xúc cử tri và dẫn chứng một số số liệu Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy đến đầu năm 2020 cả nước mới chỉ có 13% lượng nước thải phát sinh ở các khu đô thị loại 4 trở lên được xử lý và 21,35% đô thị loại 4 trở lên có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tức là mới chỉ có 21% nước thải của đô thị được xử lý, còn tồn tại rất nhiều các vấn đề môi trường khác. Ví dụ như tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt vẫn chôn lấp chiếm khoảng 70%. Đây cũng là những vấn đề rất bức xúc và cử tri kiến nghị rất nhiều. Câu hỏi đặt ra là nếu chỉ có một chỉ tiêu về xử lý nước thải trong khu công nghiệp thì nó có phản ánh được bức tranh bảo vệ môi trường không? Bức tranh bảo vệ môi trường này là những thứ đang rất bức thiết. Đại biểu cho rằng trong thời gian tới vừa làm căn cứ để bổ sung nguồn lực để đầu tư cũng như làm căn cứ để xác định nhiệm vụ của bảo vệ môi trường thì phải rà soát lại và phải đặt ra những chỉ tiêu, ngoài những chỉ tiêu hiện có thì có thể thêm một vài chỉ tiêu mới. Ví dụ chỉ tiêu về nước thải được thu gom, xử lý tại khu đô thị, khu dân cư tập trung. Vấn đề này phải nâng lên từ nay đến năm 2025 ít nhất phải được 90%, 95% và đến năm 2030 nhất quyết phải giải quyết xong việc này. Bởi vì vẫn còn tình trạng nước thải ở khu đô thị, khu dân cư mà không được xử lý thì rõ ràng ô nhiễm môi trường sẽ diễn ra và nó sẽ tác động trực tiếp đến người dân.

Bên cạnh đó là chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Theo đại biểu để thực hiện được không phải chỉ là khuyến khích mà Chính phủ cần phải đặt ra chỉ tiêu này là chỉ tiêu chủ yếu và nó phải là chỉ tiêu pháp lệnh thì mới thực hiện được và cũng dễ để cho cử tri và đại biểu Quốc hội giám sát. Nếu cứ đánh giá bằng báo cáo của cơ quan chuyên môn hàng năm thì thực tế cũng không biết là bức tranh bảo vệ môi trường mỗi năm giảm đi bao nhiêu và giải quyết bằng cách nào./.

Bảo Yến