ĐBQH ĐỖ NGỌC THỊNH: CẦN QUY ĐỊNH PHÙ HỢP VỀ CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA MA TÚY

23/02/2021

Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị dự thảo Luật cần phân định rõ hoạt động nào là hoạt động phòng ngừa, hoạt động nào là hoạt động chống ma túy để từ đó, nêu rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc phòng, chống ma túy ngày càng phức tạp hiện nay.

Luật Phòng chống ma túy được Quốc hội thông qua năm 2000 và được sửa đổi bổ sung năm 2008, đã góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống ma túy ở nước ta. Tuy nhiên, trong thực thi những quy định của luật đã và đang phát sinh những bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống ma túy. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội vào việc kiềm chế, loại bỏ hiện tượng xã hội tiêu cực này.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đánh giá, dự thảo Luật Phòng chống ma túy đã bám sát tình hình thực tế trong hoạt động phòng, chống ma túy để cụ thể hóa thành các quy định nhằm bổ sung, sửa đổi trong dự thảo luật. Những nội dung liên quan đến cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy qua các công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện. Quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống ma túy. Dự thảo luật đã bổ sung chương quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và bổ sung nhiều điều luật có liên quan đến phòng, chống ma túy, tạo điều kiện cho các hoạt động kiểm soát ma túy của các cơ quan, tổ chức gia đình, cá nhân cùng có trách nhiệm thực thi quy định của luật.

Tuy nhiên theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Thứ nhất, dự thảo luật được trình Quốc hội thể hiện không phải là luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy đã được Quốc hội thông qua năm 2000, mà trình luật này trước Quốc hội là dự thảo luật mới từ đầu. Trong khi đó, các chương, mục dự thảo luật lần này, mặc dù có bổ sung chương mới nhưng lại gần như giữ nguyên các chương của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 đã được Quốc hội thông qua.

Tên của luật không thay đổi, vẫn là “Luật Phòng, chống ma túy” nhưng luật không phân biệt, phân định những quy phạm pháp luật nào là phòng ngừa ma túy, và những quy phạm pháp luật nào quy định là chống ma túy? Do vậy, có thể luật chưa bao quát hết được những tồn tại của luật năm 2000, trong đó, cần được khắc phục về những nội dung có liên quan đến sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy, công tác cai nghiện ma túy, sự không đồng bộ trong công tác hoạt động của cơ quan chuyên trách liên quan đến phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý, với các hành vi có liên quan đến ma túy. Vì vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị dự thảo Luật Phòng, chống ma túy cần phân định rõ các hoạt động nào là hoạt động phòng ngừa đối với ma túy và hoạt động nào là các hoạt động có thể chống ma túy có hiệu quả, như việc phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý đối với ma túy, từ đó, nêu rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc phòng, chống ma túy ngày càng phức tạp hiện nay.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh chỉ rõ, chương II dự thảo luật có tiêu đề “trách nhiệm phòng, chống ma túy”, trong đó, nêu trách nhiệm của cá nhân, gia đình, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, trách nhiệm của nhà trường, các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, cơ quan báo chí, truyền thông, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy.

Nếu như vậy đã bao quát hết các cơ quan, tổ chức chưa? Trong khi Ủy ban nhân dân các cấp, các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp v.v. cũng là các chủ thể phải có trách nhiệm trong phòng, chống ma túy, mặc dù trong Chương VI, dự thảo luật có nêu tiêu đề quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đã nêu tên các cơ quan”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu thắc mắc và cho rằng, có thể nhập những nội dung của Chương VI vào Chương II cho hợp lý hơn khi xác định trách nhiệm của các cơ quan trong phòng, chống ma túy

Ngoài ra, chương IV dự thảo luật có tiêu đề “Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”. Nhưng tại Điều 24 của chương này cũng có tên gọi trùng lặp. Về kỹ thuật lập pháp, đại biểu cho rằng cần phải cân nhắc thêm, không nên có tên chương và tên điều luật trùng lặp nhau như vậy.

Dự thảo luật có quy định thành lập tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân tại Điều 34. Đây là nội dung mới trong dự thảo mà Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 chưa quy định. Trong thực tế, tại một số cơ sở tôn giáo có nhận những người nghiện ma túy vào và thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy có hiệu quả. Một số người nghiện ma túy đã cai nghiện được khi vào cai nghiện tại cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh chỉ rõ, dự thảo luật chưa đề cập gì đến các cơ sở tôn giáo có tổ chức cai nghiện; do vậy đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm trong điều luật này cho phép công nhận hoạt động cai nghiện trong cơ sở tôn giáo.

Cuối cùng, trong dự thảo luật có nhiều điều luật giao cho Chính phủ thể chế hóa để thực hiện, chẳng hạn như khoản 4 Điều 12; khoản 2 Điều 21; khoản 4 Điều 28; khoảng 6 Điều 34; khoản 7 Điều 35; khoản 5 Điều 40; khoản 3 Điều 43; Khoản 2 Điều 45 và Điều 69. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhận định, việc giao Chính phủ thực hiện các công việc của luật là cần thiết để tiếp tục thể chế hóa một số quy định của luật cần chi tiết hơn, nhưng nếu giao quá nhiều quy định như vậy cho Chính phủ thì trong thực tế, việc thực thi pháp luật trong phòng, chống ma túy sẽ có thể chậm đi vào cuộc sống.

Hồ Hương