ĐBQH BÙI XUÂN THỐNG CHẤT VẤN THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VỀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VAY VỐN LÃI SUẤT 0% ĐỂ TRẢ LƯƠNG NGỪNG VIỆC CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

23/02/2021

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiến độ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Cơ bản đồng tình với nội dung tại văn bản trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Bùi Xuân Thống kỳ vọng trong thời gian tới, với sự nỗ lực của ngành và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì những điểm nghẽn, vưỡng mắc về chính sách sẽ được tháo gỡ kịp thời; các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, giúp doanh nghiệp vươn lên phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Phóng viên: Xuất phát từ thực tế nào tại Kỳ họp thứ 9, Đại biểu đã có văn bản chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiến độ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động?

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19, trong đó có chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn lãi suất 0% năm để trả lương ngừng việc cho người lao động. Các doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19  đang gặp nhiều khó khăn trong thu xếp nguồn tiền để trả lương ngừng việc. Vì vậy, Nghị quyết của Chính phủ là vô cùng kịp thời. Tuy nhiên, tôi muốn chất vấn Thống đốc Ngân hàng để làm rõ hiệu quả triển khai.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Nội dung trả lời của Thống đốc ngân hàng là phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ nhưng cũng phải thấy rằng những điều kiện chúng ta đặt ra còn gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Ngay trong báo cáo của Chính phủ về vấn đề này cũng đánh giá rằng, những chính sách quy định để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thực hiện gói 6.000 tỷ còn chậm và hiện nay Chính phủ cũng đã có chỉ đạo để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp hơn nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó  khăn trong bối cảnh ảnh hưởng từ đại dịch.

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về những giải pháp Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhằm triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP?

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Để cụ thể hóa Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19. Trong đó, đã quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ ngời sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động như: điều kiện vay vốn, hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyêt người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn, phê duyệt cho vay và tổ chức giải ngân,… Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với ngân hàng chính sách xã hội; đồng thời có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng miễn phí dịch vụ thanh toán, phí chuyển tiền khi triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành co sở pháp, văn bản hướng dẫn thực hện chính sách cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động ngừng việc. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả từ việc triển khai cho vay chưa mang lại hiệu quả trên thực tế.

Phóng viên: Theo đại biểu đâu là nguyên nhân khiến nguồn vốn giải ngân còn chậm?

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương vào cuộc ra văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, nguồn vốn giải ngân còn chậm. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều lý do: Các tổ chức tín dụng ngân hàng khi họ cho vay cũng phải căn cứ vào những quy định về tỷ lệ nợ xấu. Như vậy, trong bối cảnh đại dịch covid thì các doanh nghiệp không phải chỉ trong nước mà các doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới đều bị ảnh hưởng. Như vậy, xét tổng thể các yếu tố vĩ mô các tổ chức tín dụng cũng e ngại rủi ro, tỷ lệ nợ xấu khi cho vay nên những điều kiện, quy định đặt ra thì cũng có những điều khoản chặt chẽ. Từ quy định chặt chẽ thì doanh nghiệp cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay. Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, việc triển khai chính sách vay trả lương ngừng việc chưa được nhiều một phần do doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc, các doanh nghiệp còn tích lũy kinh phí để trả lương; mặt khác doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động;…

Phóng viên: Vậy công tác chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành địa phương, các tổ chức tín dụng trong triển khai giải ngân nguồn vốn này cần được nhìn nhận như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Tôi thấy rằng, Ngân hàng nhà nước cũng đã tích cực và kịp thời tham mưu cho Chính phủ những  vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ ngành quản lý. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, với sự nỗ lực của ngành và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì những điểm nghẽn, vưỡng mắc về chính sách  sẽ được tháo gỡ và các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, giúp doanh nghiệp vươn lên phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh