GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: PHÁT TRIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LÀ MỘT VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM

24/02/2021

Đồng bằng Sông Cửu Long có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Theo quan điểm của đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, cần có chiến lược phát triển đồng bằng Sông Cửu Long là một vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn 2021 -2025, tầm nhìn 2030 -2045.  

Phóng viên: Quan điểm của đại biểu về chiến lược phát triển đồng bằng Sông Cửu Long trong giai đoạn 2021 -2025 như thế nào?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Người dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long vô cùng cảm kích sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Không chỉ vậy, trung ương và các bộ ngành còn luôn quan tâm, chú trọng đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn mặn, sạt lở tại khu vực trong thời gian qua. Tuy nhiên, với những tiềm năng của mình, tôi cho rằng đồng bằng Sông Cửu Long có thể đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, cần có chiến lược phát triển đồng bằng Sông Cửu Long trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 - 2045. Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, cần kịp thời có chính sách nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho vùng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện kinh tế hợp tác nông nghiệp và thủy sản. Ngoài ra, cần khẩn trương nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả đầu tư, an toàn thực phẩm và tham gia chuỗi phân phối toàn cầu.

Phóng viên: Cần thay đổi quan niệm, nhận thức cũng như chiến lược đầu tư phát triển khu vực này như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang thực hiện tốt kinh tế nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay vùng còn phải đối diện với tụt hậu về kinh tế và đang trở thành dần trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Thực tế cho thấy phần lớn các tỉnh trong vùng còn nhận ngân sách hỗ trợ từ trung ương. Từ năm 2008 GDP bình quân của vùng đã lùi xa phía sau đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Thu nhập của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn chưa ổn định, lệ thuộc rất nhiều vào thị trường nông sản.Tuy nhiên, với những tiềm năng của mình khu vực hoàn toàn có thể phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia. Tiềm năng thứ nhất, đây là vùng có thể làm được nhiều lĩnh vực khác bên cạnh nông nghiệp. Thứ hai, là vùng đất này có nguồn nhân lực dồi dào. Hiện nay, toàn khu vực có khoảng 15 trường đại học với số lượng này đào tạo ra  nguồn nhân lực ở tất cả các lĩnh vực. Nếu phát triển đồng bằng Sông Cửu Long thành vùng kinh tế trọng điểm sẽ tận dụng được nguồn nhân lực này, tránh chảy máu chât xám,…. Do đó, hoàn toàn có cơ sở tin tưởng vùng có thể đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế quốc gia. Về nông nghiệp và thủy sản, cần nhanh chóng có chính sách nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho vùng. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện kinh tế hợp tác nông nghiệp và thủy sản, nhanh chóng nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả đầu tư, an toàn thực phẩm và tham gia chuỗi phân phối toàn cầu.

Phóng viên: Theo đại biểu, những lợi thế nào của vùng đồng bằng Sông Cửu Long cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Với lợi thế 700km chiều dài bờ biển và là vùng cửa ngõ quốc tế giao lưu với khu vực Đông Nam Á và vùng Ấn Độ Dương, vùng đất 40.600km2 này có điều kiện và tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển và thu hút đầu tư từ cửa ngõ biển. Với 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% rau quả cả nước, khu vực này có nhu cầu rất lớn trong phát triển hạ tầng logistics phục vụ xuất khẩu. Do đó, việc vận chuyển các sản phẩm này đến các khu vực TP. Hồ Chí Minh, ... làm gia tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Các hệ thống cảng biển trong vùng hiện tại cũng chưa đáp ứng các nhu cầu của các tàu trọng tải lớn phục vụ cho chuỗi logistics. Do đó, phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu và hệ thống giao thông nối kết cho đồng bằng Sông Cửu Long sẽ là chiến lược thiết yếu cho vùng trong thời gian tới. Quan trọng hơn, hệ thống cảng biển nước sâu cho vùng sẽ là điểm nhấn quan trọng cho các nhà đầu tư quan tâm đến vùng, mở rộng định hướng khai thác, phát triển tiềm năng cho vùng trong tương lai.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh