ĐBQH ĐINH CÔNG SỸ GÓP Ý VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

25/02/2021

Tham gia ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ cần xem xét khả năng, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đặc thù, cũng như xem xét về tính đặc thù của các vùng, miền để có phương pháp tiếp cận cách giải quyết giảm nghèo cho phù hợp,

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La khẳng định, qua 6 năm thực hiện, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, kinh phí để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội đã được Chính phủ giao ổn định để thực hiện. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi tích cực, qua các năm thực hiện đã có xấp xỉ 1,4 triệu hộ trên tổng số 2,3 triệu hộ nghèo đã được thoát nghèo, chiếm khoảng 58%, đạt tỷ lệ Quốc hội giao. Cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề đói nghèo ở nước ta đã được các đối tác phát triển và cộng đồng quốc tế ghi nhận và được nhiều nước tham khảo. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện chương trình, hạn chế lớn nhất được chỉ ra đó là kết quả giảm nghèo không bền vững, tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân là 4%/1 năm, nhưng tỷ trọng bình quân hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên tổng số một số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ còn rất cao 58,53%. Theo đại biểu, nếu Chính phủ không có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới thì mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và những giai đoạn tiếp theo mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ khó đạt được.

Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có chuyển biến tích cực đạt thấp so với mục tiêu. Đó là phải giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho ít nhất 8.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được hỗ trợ đất sản xuất. Tuy nhiên, Chính phủ chưa đánh giá cụ thể về việc thực hiện mục tiêu này cho toàn giai đoạn từ 2016 đến 2020. Trang 29 của Báo cáo 472 mới chỉ nêu nhu cầu thực tế nhưng chưa có kết quả thực hiện. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tác động đa chiều về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Vậy nên, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong giai đoạn tới đây, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chương trình. Với vùng còn thiếu quỹ đất thì cần tiếp cận chính sách theo hướng là nâng cao giá trị sử dụng đất, đồng thời chuyển đổi nghề cho đồng bào một cách thực chất hơn.

Kinh nghiệm cho thấy, ở một số địa phương miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số có những bất lợi về đất sản xuất ít, độ dốc lớn. Nhưng nếu chuyển đổi cây trồng hợp lý, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết được chuỗi giá trị, đã nâng cao đáng kể hiệu suất và giá trị sử dụng đất. Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020 cho thấy, ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn thấp, hiệu quả tại các dự án ứng dụng chuyển giao đạt thấp, chiếm khoảng 24%. Điều này cho thấy, việc đưa khoa học công nghệ và phát triển kinh tế, nhất là trong nông nghiệp ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp quan trọng. Do đó, đại biểu Đinh Công Sỹ kiến nghị, với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tới thì giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ cần phải được quan tâm một cách thích đáng, coi đây là giải pháp cơ bản để giải đẩy nhanh, đạt được mục tiêu giảm nghèo ở các chương trình mục tiêu quốc gia.

Một hạn chế trong công tác giảm nghèo được chỉ ra trong giai đoạn qua, đó là có sự chênh lệch tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên vẫn là vùng không đạt được và còn khá xa so với mục tiêu giảm nghèo đề ra. Trước những tác động cực đoan của khí hậu, tự nhiên và những nguyên nhân từ con người gây ra, trong thời gian dịch bệnh và thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất có thể diễn biến phức tạp hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn, những thành quả của công cuộc giảm nghèo vốn chưa được bền vững, cộng với những điều kiện bất lợi đó sẽ là những thách thức vô cùng lớn để chúng ta có thể đạt được các mục tiêu giảm nghèo đề ra.

Để tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần xem xét khả năng, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đặc thù, cũng như xem xét về tính đặc thù của các vùng, miền để có phương pháp tiếp cận cách giải quyết giảm nghèo cho phù hợp, cần xem xét việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025 đế giảm đầu mối quản lý, tăng tối đa chi cho đầu tư phát triển, hướng tới đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng sự chậm trễ trong cụ thể hóa luật do Quốc hội ban hành và cụ thể hóa nghị định của Chính phủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc thực hiện các chương trình chính sách, dự án giảm nghèo ở địa phương. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu kịp thời trong thời gian tới./.

Minh Hùng