ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ (SỬA ĐỔI)

26/02/2021

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, góp ý vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, đồng thời góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo luật.

Phát biểu tại hội trường về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội nêu rõ, thứ nhất về đường xã, đường thôn, xóm ở trong Điều 3 giải thích từ ngữ có đề cập ở khoản 7 và khoản 8. Vấn đề đường sá đi lại ở các thôn xóm, làng xã còn có nơi đang thực sự đáng báo động vì chật hẹp và mất vệ sinh do nước thải, nước bẩn, v.v. thiếu chỗ tránh, thiếu bãi để xe, thiếu bảng biểu. Đại biểu bày tỏ mong muốn Luật này cần có những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn để các địa phương đưa thành nội dung vào các dự án trong các chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội

Thứ hai, rất cần thiết phải có đường cho người khuyết tật như người khiếm thị, người tàn tật phải đi xe lăn. Nhiều nước trên thế giới đã rất quan tâm đến vấn đề này từ lâu rồi. Đại biểu cho rằng, đất nước ta đã đến lúc phải quan tâm đến vấn đề này, nhất là ở các thành phố lớn. Chủ trương hiện nay là tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập vào cộng đồng thì cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất để họ đi lại. Trong dự án Luật này, chưa thấy đề cập rõ nét vấn đề này, vì vậy Chính phủ cần lưu ý bổ sung thêm.

Thứ ba, về đặt tên và số hiệu đường bộ là việc nhỏ nhưng rất quan trọng. Đại biểu cho biết, nếu ai đã từng ở Hà Nội vào thập niên trước năm 70 của thế kỷ trước thì thấy các số nhà có lẽ do thời Pháp để lại rõ, to, màu trắng trên nền xanh gắn ngay ngắn về một phía. Còn hiện nay, vấn đề tên đường, tên ngõ và số nhà đã trở nên quá lộn xộn, tùy tiện và rất rối. Người không nhớ nổi, mà Google map cũng không thể nhận ra. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có quy định để đặt tên thật khoa học, dễ hiểu, dễ liên tưởng và dễ nhớ. Chính phủ cần quy định cách đánh số nhà phải khoa học, phải rõ ràng, dễ nhận ra. Cần có quy định về kích cỡ, màu sắc, cách bố trí và địa điểm đặt số nhà.

Thứ tư, về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đại biểu đề nghị Chính phủ, chính quyền các thành phố, các bộ có liên quan hết sức cân nhắc việc xây dựng đường cao tốc, đường sắt trên cao ở ngay trong nội đô thành phố, nhất là những thành phố đông dân cư, chật chội và cổ kính như Thủ đô Hà Nội. Ví dụ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đường trên cao nối cầu Thăng Long - cầu Thanh Trì, vì nếu xây dựng như vậy, nhất là xây dựng mà không có quy hoạch từ trước cảnh quan thành phố sẽ bị chia cắt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan thành phố. Đại biểu nhấn mạnh thử hình dung, rồi đây có vài con đường đồ sộ bê tông lưng lửng phô mình trên cao như vậy thì thành phố sẽ còn có được vẻ đẹp của thành phố văn minh hiện đại nữa không? Mặc dù đây là cách làm, tất cả rẻ hơn tất cả, nên đã được lựa chọn. Tuy nhiên, xin hãy vì tương lai của thành phố, vì tương lai mà phải quyết tâm lựa chọn cách làm khác. Theo đại biểu, không nên quy hoạch làm đường cao tốc, đường sắt trên cao ở trong nội đô.

Thứ năm, về công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ, đại biểu cho biết, hiện nay ngay cả đường ở nông thôn cũng phải được chú trọng hệ thống báo hiệu, thoát nước, tường chắn, rồi ở các đường cao tốc gần khu dân cư, nhà cao tầng, bệnh viện, trường học cần có thêm hệ thống chống ồn là những lưới thép có lỗ che chắn, tạo vòm để thu âm. Nhiều nước trên thế giới đã làm, cần được đưa vào luật sửa đổi lần này để thực hiện.

Thứ sáu, về biển báo đường bộ, phải coi đây là một hạng mục quan trọng cần phải có bố trí kinh phí để làm, để tu sửa hạng mục này, khi làm đường phải xong hạng mục này mới nhận bàn giao. Cần bố trí thật khoa học, hợp lý, ngắn gọn, dễ hiểu, đạt với một độ xa hợp lý nhất trên đường cao tốc để người lái xe biết mà xử lý cho kịp.

Thứ bảy, về thi công trên đường bộ đang khai thác, đại biểu bày tỏ thống nhất với hầu hết các khoản trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm phương án tổ chức thi công, bố trí thi công phải hết sức hợp lý và khoa học về thời gian để ảnh hưởng ít nhất đến lưu thông của các phương tiện trên đoạn được thi công đó. Đối với các công trình lớn như cầu vượt, đường hầm qua nút giao thông lớn trong thành phố thì phương án thi công nào rút ngắn thời gian thi công để giảm gây ách tắc giao thông phải được coi là một ưu tiên khi lựa chọn nhà thầu.

Thứ tám, nơi quay đầu xe, nơi xe rẽ, thông thường phải là ngã ba, ngã tư. Đại biểu cho biết hiện nay không có quy định trong dự thảo luật này, chỉ lờ mờ ở Điều 27 là tổ chức giao thông, đề nghị nên bổ sung. Cùng với đó, vẫn có nhiều nơi chỗ rẽ các ngã ba, ngã tư đã bị chặn lại mà nơi quay đầu xe đã được mở đột ngột ở một nơi khác cách đó gần ngã ba, ngã tư vài chục đến mấy trăm mét, điều này là rất nguy hiểm. Đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cho mở chỗ quay xe lại ở các ngã ba, ngã tư như cũ./.

Bảo Yến