ĐBQH NGUYỄN TUẤN ANH GÓP Ý VỀ ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

26/02/2021

Tham gia thảo luận ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành kế hoạch và tài nguyên môi trường, rà soát từng khu công nghiệp, khu chế xuất, công khai những khu công nghiệp và khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung để báo cáo Quốc hội và cử tri giám sát.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến về việc thực hiện chỉ tiêu môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho rằng chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm được Chính phủ trình Quốc hội là các chỉ tiêu quan trọng, cốt lõi, phản ánh sự phát triển chung của nền kinh tế. Hiện nay, tỷ lệ các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong Báo cáo kinh tế - xã hội hằng năm gọi là chỉ tiêu số 12. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 là 90% và đến nay cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, cử tri băn khoăn, nếu chỉ dựa vào việc hoàn thành chỉ tiêu này, liệu đã phản ánh được tổng thể bức tranh bảo vệ môi trường chưa, có nên tiếp tục coi nó là chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu trong 10 năm nữa không. Nếu không thì còn những chỉ tiêu môi trường nào khác cần phải được xem xét thực hiện. Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy mặc dù việc đưa ra chỉ tiêu số 12 này là cần thiết, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường mà thực tiễn đặt ra. Bởi lẽ, theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, có rất nhiều kiến nghị của cử tri tập trung vào các vướng mắc như chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt đô thị, v.v.. Những vấn đề trên cũng đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội tại kỳ họp này. Điều này cho thấy còn nhiều vấn đề bức xúc khác liên quan đến bảo vệ môi trường mà cử tri và nhân dân đang rất quan tâm, cần được giải quyết một cách căn cơ trong thời gian tới, chứ không chỉ tập trung vào chỉ tiêu số 12 như Báo cáo của Chính phủ. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu kiến nghị giải pháp cụ thể như sau:

Một là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành kế hoạch và tài nguyên môi trường, rà soát từng khu công nghiệp, khu chế xuất, công khai những khu công nghiệp và khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung để báo cáo Quốc hội và cử tri giám sát. Đồng thời, có giải pháp đầu tư hạ tầng để khắc phục tình trạng này. Yêu cầu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường vào năm 2025.

Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung một số chỉ tiêu môi trường chủ yếu, phù hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Cụ thể là:

Thứ nhất, chỉ tiêu về tỷ lệ nước thải, thu gom, xử lý tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung.

Thứ hai, chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Việc xây dựng những chỉ tiêu cụ thể này sẽ giúp hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó giải quyết một cách tổng thể các vấn đề môi trường, ô nhiễm môi trường mà cử tri đang kiến nghị.

Phần mục tiêu chung trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 tại trang 34 chỉ đề cập chung là chú trọng bảo vệ môi trường. Phần mục tiêu, định hướng, cơ cấu cụ thể cũng không đề cập nội dung nào đầu tư cho bảo vệ môi trường. Trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa có dự kiến danh mục dự án mới. Tại danh mục dự án chuyển tiếp cho giai đoạn này của 63 địa phương cũng chỉ có duy nhất một dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đó là ở tỉnh Quảng Ninh.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trong đó, cần bố trí đầu tư hợp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tổng kết chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh dịch vụ xử lý chất thải trong thời gian tới.

Đại biểu nhấn mạnh, rà soát và đề xuất hệ thống chỉ tiêu môi trường cho phù hợp trong giai đoạn tới là việc làm cần thiết, chỉ bằng cách đặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường cấp bách thành chỉ tiêu pháp lệnh mới nâng cao được trách nhiệm bảo vệ môi trường của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chứ không phải chỉ là trách nhiệm riêng của ngành tài nguyên và môi trường. Việc làm này không những để giải quyết kiến nghị bức xúc của người dân về công tác bảo vệ môi trường mà còn giúp Chính phủ bố trí nguồn lực đầu tư thỏa đáng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo./.

Minh Hùng