ĐBQH TỐNG THANH BÌNH THAM GIA Ý KIẾN VỀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

27/02/2021

Tham gia thảo luận ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, đề nghị Bộ Y tế phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu trình Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi một số nội dung quy định không còn phù hợp, đảm bảo có chính sách đào tạo bác sĩ hệ liên thông phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu nhất trí cao với đánh giá, nhận định của Chính phủ về điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đại biểu đưa ra một số đề xuất kiến nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất, về dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, giai đoạn 2015-2020, được Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tại Quyết định số 4295 ngày 28/10/2016, song giai đoạn này chưa bố trí giao vốn, nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Đến ngày 13/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1740, về phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự án được xác định bố trí nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Tiếp đó, các ngành chức năng đã chủ động trong việc chỉ đạo triển khai các bước thực hiện. Tuy nhiên, đến nay thời hạn thực hiện của dự án cơ bản đã kết thúc, song vẫn chưa bố trí được vốn để tổ chức thực hiện. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xem xét, bố trí vốn vào Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 để tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đáp ứng sự chờ đợi, mong mỏi nhiều năm nay của đồng bào nhân dân các dân tộc.

Thứ hai, tại Công văn số 5331 ngày 11/12/2014 của Bộ Nội vụ, về xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, đã thống nhất phân định việc xây dựng, quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, tuyên truyền viên do Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất quản lý. Qua đó, qua rà soát trên địa bàn cả nước hiện còn không ít đối tượng viên chức thuộc diện chưa được chuyển thăng hạng do chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể; đối với đối tượng là viên chức chuyên ngành, tuyên truyền viên theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc, công tác tại các cơ quan báo chí, truyền thông và được xếp vào ngạch 17.178. Ngày 28/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 29 và 30, hướng dẫn về việc bổ nhiệm, xếp lương đối với một số chức danh nghề nghiệp viên chức và hướng dẫn bổ nhiệm, xếp lương đối với chức danh viên chức ngành công nghệ thông tin, song chưa đề cập đến chức danh viên chức chuyên ngành, tuyên truyền viên nêu trên. Để tạo điều kiện đảm bảo chế độ, chính sách, yên tâm công tác đối với đối tượng này, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan thống nhất sớm rà soát, xây dựng và ban hành hướng dẫn việc chuyển thăng hạng, xếp lương đối với viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên để các địa phương triển khai tổ chức thực hiện thống nhất trên cả nước.

Thứ ba, về công tác đào tạo bác sĩ hệ liên thông theo Quyết định số 18 ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp y tế nói chung, công tác y tế các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã có nhiều cố gắng trong xây dựng hệ thống tổ chức ngành. Đội ngũ cán bộ được bổ sung cả về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, về cơ bản ngành còn thiếu nhiều bác sĩ ở các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện, xã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và không đạt được mục tiêu tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân theo lộ trình đã đề ra.

Việc đào tạo bác sĩ hệ liên thông gặp nhiều khó khăn, do thay đổi cơ chế theo Quyết định số 18 về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học. Cụ thể, đối tượng cán bộ có nhu cầu quy hoạch đào tạo liên thông lên bác sĩ phải thi cùng học sinh tại các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, dẫn đến tỷ lệ thi đỗ của cán bộ ở các tỉnh miền núi hằng năm cơ bản đạt rất thấp. Riêng năm 2020, nhiều tỉnh không đỗ trường hợp nào. Để đạt mục tiêu tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân vào năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những giải pháp có thể cho là hiệu quả nhất để khắc phục chỉ có thể bằng giải pháp đào tạo bác sĩ hệ liên thông nhằm khắc phục những vướng mắc nêu trên, đại biểu đề nghị Bộ Y tế phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu trình Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi một số nội dung quy định không còn phù hợp, đảm bảo có chính sách đào tạo bác sĩ hệ liên thông phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, về xử lý tài sản trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục sang mục đích khác, xử lý đối với những diện tích rừng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng. Tại khoản 6 Điều 2 Thông tư số 13 ngày 25/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định lâm sản khai thác khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì rừng tự nhiên và rừng trồng do nhà nước đầu tư toàn bộ là tài sản công dưới dạng tài nguyên. Ở đây là tài nguyên rừng.

Đối với tài nguyên, các luật này chỉ quy định chế độ quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên, không quy định các hình thức xử lý tài nguyên rừng như bán, thanh lý, tiêu hủy, v.v.. Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư hủy bỏ Thông tư số 18 ngày 20/2/2013 của bộ về trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng, vì các căn cứ trước đây đã hết hiệu lực hoặc bị thay thế bởi các căn cứ khác. Để góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới, vùng đầu nguồn các con sông, suối lớn.

Trong thời gian tới đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành quy định cụ thể để xử lý đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác và xử lý đối với những diện tích rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng đảm bảo, thống nhất triển khai trong và thực hiện./.

Minh Hùng