ĐBQH ĐINH THỊ PHƯƠNG LAN THAM GIA Ý KIẾN VỀ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

27/02/2021

Tham gia thảo luận về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 10, Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề bảo vệ và phát triển rừng; an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; phát triển giao thông; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; nhà ở nông thôn.

Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại kỳ họp thứ 10

Tham gia ý kiến về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 10, Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra về kết quả đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua. Trước tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, với mong muốn đóng góp thêm giải pháp trong giai đoạn tới, đại biểu tham gia một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, về bảo vệ và phát triển rừng, giá trị ngành lâm nghiệp tăng gần gấp 3 lần sau năm 2011 lâm sản được xuất khẩu trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ là kết quả rất đáng ghi nhận. Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần đánh giá toàn diện xuất khẩu lâm sản có liên quan đến thực trạng khó khăn khi tăng diện tích trữ lượng rừng trong thời gian qua để có giải pháp phù hợp. Để tiếp tục khai thác, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đề nghị tiếp tục nâng mức khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, mức đầu tư cho trồng mới rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và hỗ trợ trong rừng sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chọn, tạo giống, quản lý rừng, khai thác, chế biến lâm sản góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm lâm nghiệp; Thực hiện hiệu quả trong rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven sông, biển, đầu nguồn, trồng mới, trồng lại rừng sau khai thác, nâng giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản phòng hộ của rừng; Phát triển vùng dược liệu gắn với phát triển lâm nghiệp bền vững; Thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030 thành ngành kinh tế - kỹ thuật nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Thứ hai, về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, trong điều kiện nguồn lực đất nước còn khó khăn công tác quản lý hệ thống hồ đập, nguồn nước trong thời gian qua đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cho người dân tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, thuận lợi. Thiên tai đang diễn biến phức tạp, dị thường, vì vậy đề nghị cần thực hiện tốt công tác vận hành, điều phối, quản lý hệ thống hồ đập, kênh dẫn cung cấp và tiêu thoát nước xả lũ, đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn nước sạch an toàn cho sinh hoạt với chi phí hợp lý cho sản xuất, đặc biệt ở vùng khó khăn, vùng ngập lụt. Bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn kịp thời nâng cấp 1.200 hồ chứa sửa chữa 200 hồ hư hỏng nghiêm trọng, có giải pháp phù hợp với 4.000 hồ do cấp huyện, xã đang quản lý trong điều kiện nguồn lực rất khó khăn. Xây dựng bản đồ vùng ngập lụt, sạt lở, quản lý hành lang thoát lũ theo phân cấp nhằm ứng phó tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn vùng hạ du. Xây dựng đề án đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 202-2030.

Thứ ba, về phát triển giao thông trong giai đoạn tới, đại biểu đề nghị cần ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông, quản lý an toàn giao thông; xây dựng ứng dụng sử dụng chất thải rắn trong xây dựng làm vật liệu thi công các công trình giao thông như Phần Lan, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Mỹ, một số quốc gia khác đã sử dụng cho lớp móng kết cấu mặt đường, đường lăn, bãi đậu sân bay, nhà ga, v.v. từ những năm 1990. Vì nguồn lực hạn chế, các quốc gia buộc phải lựa chọn việc xây dựng các đường bộ qua núi trên nền đất yếu, dễ sạt lở trong một số trường hợp làm đứt gãy hệ sinh thái, mất ổn định nền địa chất vùng có đường đi qua đến hàng trăm năm, là một trong những nguyên nhân gây sạt lở. Kinh phí bảo trì, sửa chữa thiệt hại sau thiên tai, bão lũ hằng năm rất lớn. Chiến lược phát triển hệ thống giao thông dài hạn không thể không tính đến một số cầu qua núi ở những tuyến giao thông huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn, có nền địa chất phức tạp, nền đất yếu hằng năm liên tục sạt lở, gây thiệt hại nhiều tiền của, tính mạng của người dân.

Thứ tư, về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Thiên tai diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi cần thiết tiếp tục điều chỉnh, thực hiện phù hợp chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Đại biểu đề nghị phát triển đồng bộ, hợp lý, đa dạng các nguồn năng lượng, ưu tiên khai thác, quản lý hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp với giá thành hợp lý, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi với chiến lược triển khai thực hiện các chiến lược biển Việt Nam; tiếp tục rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch các thủy điện không phù hợp, hiệu quả, xóa bỏ độc quyền trong dịch vụ hạ tầng năng lượng, đầu tư hệ thống truyền tải điện, tiếp tục hoàn thiện dữ liệu thống kê năng lượng phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngành năng lượng quốc gia.

Thứ năm, về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã tạo nền tảng đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, khẳng định vị thế địa chính trị của Việt Nam, góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Thực hiện các FTA không chỉ có vai trò của nhà nước mà cần nỗ lực hơn nữa của doanh nghiệp và người dân. Cần chủ động, đặc biệt đối với một số đối tác, các nền kinh tế phát triển có lồng ghép các điều khoản tiêu chuẩn cao trong các FTA. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các ngành kỹ thuật, công nghệ, tài chính, dịch vụ, du lịch, rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, tương thích nhằm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đồng thời, cũng là công cụ cần thiết để sàng lọc chứ không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Đại biểu kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong tham gia giao dịch điện tử, như ban hành nghị định định hướng dẫn Luật An ninh mạng, nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, thận trọng đối với các dịch vụ xuyên biên giới và tự do hóa đầu tư, dịch vụ bảo hiểm và lưới an sinh xã hội cũng là những nội dung đặc biệt quan trọng cần có chiến lược phù hợp trong quá trình thực hiện các FTA.

Thứ sáu, về nhà ở nông thôn. Quy hoạch phát triển nông thôn là kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa liên quan đến con người, các cộng đồng sống ở nông thôn theo tiêu chí của quá trình phát triển bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Thực tế cho thấy, hàng chục ngàn ngôi nhà bị hư hỏng, đổ nát, tốc mái, bị nước cuốn trôi, bị vùi lấp do được làm tạm, không kiên cố, thuộc vùng xung yếu, dễ sạt lở. Thực trạng trên cho thấy, cần quy hoạch, thực hiện quy hoạch phát triển nông thôn vùng dân cư bài bản, đồng bộ. Đặc biệt, cần hoàn thiện các tiêu chí tối thiểu về nhà ở, đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho người dân, đáp ứng yêu cầu vượt qua thiên tai, bão lũ./.

Minh Hùng